Doanh nghiệp kiều bào - cầu nối đưa nông sản Việt vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu

16:44 15/02/2022

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Vai trò của doanh nghiệp kiều bào đối với ngành nông nghiệp

Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp đang tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản, các chủ thể trong sản xuất để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.

Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, ngành nông nghiệp liên tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng cao từ 4,2 tỷ USD năm 2000 tăng lên 48,6 tỷ USD vào năm 2021. Hàng hoá nông lâm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 2021 là năm vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm, chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đã bị gián đoạn do giãn cách. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn vượt khó, đảm bảo cung ứng thực phẩm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đạt thặng dư thương mại lên đến 6,44 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tại Diễn đàn ‘Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp’
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tại Diễn đàn ‘Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp’.

Để đạt được những thành tựu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tại Diễn đàn ‘Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp’ đã khẳng định, bên cạnh nỗ lực của toàn ngành, mỗi bà con kiều bào đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước.

Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như: Incentra ở Moscow (Nga), Đồng Xuân ở Berlin (Đức), Sapa ở Czech, ASEAN Garden Mall tại Hoa Kỳ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Australia đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê… dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều thể hiện tâm của người Việt đưa sản phẩm đi khắp bốn phương.

Đóng góp của kiều bào còn phải kể đến tri thức và kinh nghiệm quý báu đang giúp ngành nông nghiệp chuyển mình thông qua chia sẻ và đưa nhưng công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp...

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đã ghi nhận sự hỗ trợ và đồng hành của bà con kiều bào với ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng cũng kỳ vọng bà con sinh sống ở nước ngoài giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia Mỗi làng một sản phẩm của Việt Nam. Bà con cũng là kênh truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa nông nghiệp Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và là Trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu…

Từ đó, sẽ giúp đưa ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện các mục tiêu Chính phủ đã đề ra, đó là xây dựng nền Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh.

Quảng bá sản phẩm Việt Nam tới thị trường quốc tế

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chai sẻ tại Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chia sẻ tại Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chia sẻ, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) vui mừng khi được chứng kiến nhiều hoạt động đóng góp thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, ông Hiệu nói.

Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao.

Bởi lẽ đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu tin rằng, với quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan trong nước, mà tiên phong là Bộ NN-PTNT, cùng kinh nghiệm, nguồn lực và sự đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công mới.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ NN-PTNT, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới; phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm.

Đồng thời, bộ sẽ tích cực cung cấp thông tin, tăng cường tuyên truyền để phổ biến và tận dụng các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.

“Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số, thương mại điện tử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, để ngành Nông nghiệp của ta sớm bắt kịp các xu thế chung về phát triển bền vững và thích ứng lâu dài với đại dịch”, ông Phạm Quang Hiệu chia sẻ.

Kiến nghị để nông nghiệp Việt Nam cất cánh

Bà Hồng Shurany, một Việt kiều Israel đóng góp ý kiến trong Diễn đàn
Bà Hồng Shurany, một Việt kiều Israel đóng góp ý kiến trong Diễn đàn.

Bà Hồng Shurany, một Việt kiều Israel với kinh nghiệm đã đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Isarel tại Việt Nam, cụ thể là các tỉnh Tây Nguyên. Theo bà, 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nông sản Việt Nam đã phải đổ bỏ rất nhiều. Thế nhưng nông sản, trái cây của Israel lại có giá hơn, xuất khẩu ra thế giới nhiều hơn. Bà Hồng Shurany cũng cho rằng, điều kiện để phát triển nông nghiệp của Israel và Việt Nam có nhiều nét tương đồng. Do đó, bà đưa ra 7 kiến nghị để nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh hơn nữa.

Thứ nhất, cần thực hiện tốt 3 chiến dịch: Thay đổi nhận thức cho lãnh đạo địa phương về chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu các thị trường nông sản tạo ra 1 cuộc cách mạng nông nghiệp mớI; Thay đổi cách đầu tư của doanh nghiệp và việc tổ chức sản xuất, làm hàng xuất khẩu nông sản để tận dụng các lợi thuế Hải quan, thuế suất mới FTA; Thay đổi nhận thức đối với nông dân ở các vùng nông nghiệp xuất khẩu để chuẩn hóa nông nghiệp.

Thứ hai, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu nông sản theo kinh nghiệm của Israel.

Thứ ba, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng… Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa. Khai thác tốt thế mạnh từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút và tận dụng tối đa dòng vốn FDI vào nông nghiệp. Nhất là nguồn lực từ quan hệ Việt kiều, ví dụ Nhà nước ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao của Israel vào Việt Nam, phối hợp cấp quốc gia giữa 2 nhà nước Israel và Việt Nam để làm từng vùng nông nghiệp lớn cho Việt Nam.

Thứ tư, cơ cấu lại nội bộ từng ngành sản xuất nông nghiệp xuất khẩu theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách rà soát những chính sách bất hợp lý làm cản trở việc sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu nông sản.

Thứ năm, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.

Thứ sáu, thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện chưa được đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp. “Phải tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cho việc vay vốn, thông tin đầu tư, kinh doanh xuất khẩu, bảo vệ thương hiệu nông sản, lập quỹ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tranh thủ marketing quốc tế tìm công nghệ và tìm thị trường xuất khẩu từ Việt kiều”, bà Hồng Shurany kiến nghị.

Thứ bảy, cần tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận của chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng “cát cứ” cản trở sản xuất kinh doanh nông nghiệp xuất khẩu, không có thang giá trị cục bộ địa phương trong sản xuất, logistics, thương mại, xuất khẩu.

Lyly