Theo dự thảo thông tư, việc xác định doanh thu tính thuế của hộ khoán có điểm mới so với hiện hành, đó là trường hợp hộ khoán có thay đổi doanh thu thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh tăng, hoặc giảm theo thực tế. Cụ thể, nếu có thay đổi từ 20% trở lên cơ quan thuế sẽ điều chỉnh mức thuế khoán.
Giải thích về sự thay đổi này, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định hiện hành tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, thì chỉ trường hợp thay đổi doanh thu từ 50% trở lên thì cơ quan thuế mới thực hiện điều chỉnh.
Điều này đã gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc điều chỉnh mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19, những hộ bị ảnh hưởng thay đổi doanh thu dưới 50% sẽ không được điều chỉnh giảm thuế khoán.
Ngoài ra, mức giao tăng dự toán hàng năm đối với khu vực ngoài quốc doanh, trong đó bao gồm hộ kinh doanh thường ở mức từ 10% đến 20%, nhưng cơ quan thuế chỉ có thể điều chỉnh tăng mức thuế khoán nếu doanh thu tăng trên 50%. Điều này gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc thực hiện dự toán thu ngân sách.
Do đó, để điều chỉnh tăng, hoặc giảm mức thuế khoán trong năm phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đáp ứng việc hoàn thành dự toán, Tổng cục Thuế cho rằng cần phải quy định một tỷ lệ phù hợp là 20%.
Ngoài lý do trên, thì tại khoản 4 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38 quy định “Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về căn cứ, trình tự để xác định mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh”.
Căn cứ quy định này, Quốc hội đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn về căn cứ và trình tự xác định mức thuế khoán, do đó nội dung về việc xác định mức thuế khoán khi doanh thu thay đổi từ 50% tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP cũng đã được Quốc hội giao Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết. Theo đó, tại dự thảo Thông tư có thể hướng dẫn về tỷ lệ thay đổi doanh thu làm căn cứ điều chỉnh mức thuế khoán.
Căn cứ các quy định của Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định 126, dự thảo thông tư hướng dẫn công tác quản lý, cũng như trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý hộ lớn theo rủi ro.
Cụ thể, Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chí rủi ro đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo từng đối tượng, địa bàn quản lý.
Tổng cục Thuế hướng dẫn quy trình, trình tự, phương pháp xây dựng và quản lý sử dụng cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định của Bộ Tài chính để phục vụ công tác quản lý rủi ro trong kiểm tra, thu thuế.
Cục thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu quản lý thuế tập trung của ngành để phân tích, đánh giá và chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh của các chi cục thuế. Triển khai công tác kiểm tra thực tế hằng năm tối thiểu 20% số chi cục thuế theo quy định về quản lý rủi ro đối với việc quản lý mức doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, cục thuế có trách nhiệm định kỳ kiểm tra thực tế tối thiểu 10% số chi cục thuế (từ quý I đến quý III). Kết quả kiểm tra là căn cứ xây dựng mức doanh thu, mức thuế tham khảo cho năm sau và điều chỉnh doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại địa bàn.
Nội dung kiểm tra thực tế của cục thuế gồm: kiểm tra trên cơ sở dữ liệu quản lý; đối chiếu số liệu đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; kiểm tra thực tế đối với ít nhất 15% số cá nhân kinh doanh trên địa bàn, trong đó tập trung kiểm tra 100% cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng quản lý rủi ro theo quy định.
Đối với chi cục thuế, phải có trách nhiệm cập nhật kịp thời các thông tin biến động trong quá trình quản lý đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Định kỳ đến ngày 1 tháng 11 hằng năm, các chi cục thuế phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên cơ sở thông tin từ hồ sơ của người nộp thuế, kết quả số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế và thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
PV