Điện Biên và Bắc Lào tăng cường hợp tác toàn diện Điện Biên "trăn trở" bài toán giải ngân vốn đầu tư công Điện Biên thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao với Niinuma Việt Nam |
![]() |
Tuyển sinh các lớp học nghề tại xã Chà Nưa. |
Theo ghi nhận, do nhiều yếu tố khách quan liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập bộ máy và quá trình bố trí kinh phí, công tác đào tạo nghề năm nay diễn ra chậm hơn so với thường lệ. Nếu như các năm trước, hoạt động khảo sát nhu cầu và mở lớp từ tháng 2 hoặc tháng 3 sau Tết Nguyên đán, thì năm nay, thời điểm tháng 5 trở thành giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Việc chú trọng giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề luôn được huyện Nậm Pồ xác định là nhiệm vụ then chốt. Không chỉ đơn thuần trang bị kỹ năng, giải quyết việc làm, hoạt động này còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thuần túy, mở ra những hướng đi mới, bền vững cho kinh tế địa phương.
Năm 2024, Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đào tạo vượt chỉ tiêu, đạt hơn 1.000 học viên so với 500 chỉ tiêu được giao. Thành công này có được nhờ sự chủ động triển khai sớm, sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và đặc biệt là việc đảm bảo đầu ra cho người lao động sau đào tạo.
Với đặc thù là vùng cao biên giới, nơi cộng đồng có vai trò lớn trong đời sống, tâm lý học nghề và tìm kiếm việc làm của người dân thường mang tính tập thể. Năm 2024 chứng kiến sự lên ngôi của các ngành nghề phi nông nghiệp như may mặc và xây dựng. Phần lớn học viên sau khi hoàn thành khóa học đã tìm được việc làm ổn định tại các khu công nghiệp, công trường với mức lương khá hấp dẫn, tạo nên một làn sóng học nghề và di cư lao động mạnh mẽ.
![]() |
Đào tạo nghề may mặc cho các học viên. |
Theo ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch xã Chà Nưa, năm 2024, xã đã mở được 4 lớp với 144 học viên. Sau đào tạo, khoảng 40% đã có việc làm tại các khu công nghiệp với thu nhập 7-9 triệu đồng/tháng, số còn lại phát triển kinh tế tại chỗ. Nhờ hiệu quả thiết thực đó, sau Tết, rất nhiều người dân có nhu cầu học nghề. Dù khảo sát đã xong từ đầu năm, nhưng việc Trung tâm mở lớp muộn đã khiến một số lao động tự tìm kiếm cơ hội làm ăn xa hoặc đi theo những người đã có việc làm từ năm trước.
Về phía Trung tâm Dạy nghề huyện, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Trung tâm, thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, với đội ngũ 7 biên chế, chỉ có 4 giáo viên, trong khi mỗi lớp học cần 2 giáo viên và kéo dài khoảng 3 tháng, việc hoàn thành chỉ tiêu 600 học viên trong năm nay là một thách thức không nhỏ, đặc biệt khi thời gian triển khai bị rút ngắn.
Hiện tại, Trung tâm đang dồn toàn lực phối hợp với chính quyền các xã để nhanh chóng khảo sát nhu cầu, đồng thời tích cực liên kết với các cơ sở giáo dục uy tín như Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, Công ty Thăng Long… nhằm mở các lớp đào tạo một cách hiệu quả, đảm bảo tiến độ và chỉ tiêu được giao.
Việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ là giải pháp cấp thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn là đòn bẩy quan trọng để chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại huyện biên giới Nậm Pồ.