Đề xuất này nằm trong dự thảo Nghị quyết thí điểm về chính sách đặc thù phát triển NƠXH, hiện đang trong quá trình lấy ý kiến.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã triển khai 655 dự án NƠXH. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn chậm do quy trình đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư mất nhiều thời gian, thường kéo dài từ 6 - 12 tháng.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm trao quyền cho UBND cấp tỉnh được giao trực tiếp nhà đầu tư mà không cần thông qua đấu thầu. Việc lựa chọn sẽ dựa trên đề xuất của Sở Xây dựng, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
![]() |
Bộ Xây dựng đề xuất trao quyền cho các địa phương được phép chỉ định thầu dự án nhà ở xã hội. |
Theo dự thảo, trong vòng 30 ngày kể từ khi công khai dự án, nếu chỉ có một doanh nghiệp đăng ký và đáp ứng đủ điều kiện, Sở Xây dựng sẽ trình UBND tỉnh giao đơn vị này triển khai.
Trường hợp có từ hai doanh nghiệp trở lên, địa phương sẽ ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính, cam kết tiến độ và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tốt nhất. Nếu các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí tương đương, đơn vị đăng ký trước sẽ được ưu tiên.
Đề xuất này nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các chủ đầu tư NƠXH.
Tại Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển NƠXH do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, ông Đậu Minh Thanh – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) – đã kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế ưu tiên cho phát triển NƠXH bằng cách rút ngắn trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.
Theo đó, đối với các dự án đã có nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ điều kiện, có thể áp dụng phương thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ.
Đại diện Tổng công ty Viglacera cũng đề xuất giao dự án cho các đơn vị đủ năng lực mà không cần đấu thầu nhằm giảm thời gian và thủ tục hành chính.
Các kiến nghị này thể hiện mong muốn chung của doanh nghiệp về một cơ chế linh hoạt hơn, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân.