Đang có sự "chia cắt" trong quản lý xăng dầu

10:22 24/11/2022

Chia sẻ về vấn đề điều hành xăng dầu trên TTXVN, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng đang có sự "chia cắt" trong quản lý kinh doanh mặt hàng trọng yếu này.

Ảnh minh họa

Theo ông Thỏa, thực tế, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh và có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung-cầu xăng dầu cho nhu cầu của đất nước. Là đơn vị quản lý sản xuất-kinh doanh thì Bộ Công Thương sẽ biết diễn biến thế giới thế nào, trong nước ra sao, rồi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu phải chi ra những chi phí gì và mỗi một vùng khác nhau, mỗi doanh nghiệp khác nhau… những chi phí đó như thế nào.

Tức là đã giao cho Bộ Công Thương quản lý sản xuất - kinh doanh xăng dầu, nhưng lại tách riêng một phần trong cơ cấu giá (là phần chi phí định mức) để Bộ Tài chính tính toán và công bố, trên cơ sở đó Bộ Công Thương đưa vào mức giá cơ sở.

 "Đây là điểm không hợp lý, khi Bộ Tài chính thì không thể nắm rõ như Bộ Công Thương về tất cả những vấn đề đã nêu ở trên", ông Thỏa nhấn mạnh.

Về vấn đề thời gian qua có nhiều cửa hàng xăng dầu nghỉ, dừng bán hàng, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: "Vấn đề gốc vẫn là do nguồn cung không bảo đảm. Việc này xuất phát từ một số lý do. Đơn cử, chúng ta đang cho nhập khẩu ở những thị trường có thuế suất ưu đãi, trong khi tình hình căng thẳng trên thế giới thời gian qua nhưng chúng ta vẫn chưa mở rộng nhập khẩu ở những nơi có thuế suất cao hơn thuế suất ưu đãi.

Ngoài ra, việc nguồn tiền ngoại tệ để các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn chưa bảo đảm, vì tất cả chi phí, giá thế giới đã tăng hơn mức tín dụng cũ song chưa điều chỉnh kịp thời nên nguồn tiền mà các doanh nghiệp nhập khẩu, mua bán xăng dầu sẽ gặp phải khó khăn nhất định.

Tiếp đến, toàn bộ chi phí vận chuyển từ nước ngoài về, chi phí kinh doanh ở trong nước… đã thay đổi và ở mức rất khác. Dù trong nước điều chỉnh 2 lần trong năm nay nhưng thế giới biến động liên tục, chúng ta vẫn không theo kịp nên vẫn không đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân giao với giá bán buôn cho các đại lý, bằng với giá bán lẻ hoặc cao hơn giá bán lẻ nên mới có tình trạng chiết khấu âm, chiết khấu 0 đồng. Với chiết khấu như vậy, nhiều đơn vị càng kinh doanh càng lỗ dẫn đến ngừng kinh doanh và ngừng bán hàng…

Tiếp đến là chu kỳ tính giá theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP còn quá dài, không phản ánh sát được giá thị trường thế giới, lệch pha nên trong nước vẫn xuất hiện tình trạng "chờ giá," "chạy giá…"

Nêu quan điểm về việc các cơ quan chức năng đang chuẩn bị các quy trình để trình Chình phủ sửa đổi Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm: "Việc sửa đổi nghị định có nhiều nội dung, song tôi quan tâm đến một số vấn đề.

Đầu tiên là tổ chức hệ thống phân phối hiện nay vẫn quy định các doanh nghiệp từ đầu mối đến bán lẻ, đến đại lý… nhưng lại gọi là "đồng sở hữu" các cơ sở kinh doanh, rồi đồng sở hữu kho… là không ổn.

Bởi quy định "đồng sở hữu" nhưng lại không biết ai là chính nên dẫn đến trách nhiệm của các đồng sở hữu không rõ ràng. Do đó, để cải tiến hệ thống phân phối thì cần bổ sung quy định: Nếu đơn vị nào có đủ điều kiện về cầu cảng về cơ sở hạ tầng về kho bãi, phương tiện vận chuyển thì khi đủ điều kiện sẽ kinh doanh và cần hạn chế đến mức thấp nhất chuyện "đồng sở hữu" để thế hệ thống không có sở hữu chéo, chồng chéo lẫn nhau, gây bất cập cho việc điều hành. Nhà nước chỉ định hướng, còn lại để doanh nghiệp quyết định theo cung-cầu thị trường

Tiếp đến, cần phải sửa quy định về giá. Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, "hiện nay, chúng ta đang lạm dụng công tác bình ổn giá". Theo ông Thỏa, các công việc thực hiện từ chi quỹ bình ổn hay áp dụng giải pháp này hay giải pháp khác… về giá, cũng chỉ nên mang tính định hướng. Còn lại nên để doanh nghiệp được quyết định theo cung-cầu thị trường. Chi phí định mức cũng vậy, chỉ nên định hướng và để doanh nghiệp quyết định cụ thể.

"Thực tế hiện nay việc điều hành lại đang làm theo cách từ việc định hướng lại biến thành chỉ đạo cứng, như vậy thị trường không thể hoạt động bình thường được", ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm. 

Về chu kỳ tính giá, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa "cũng cần xem xét và tính toán lại". Nếu như giai đoạn này chúng ta chưa có đủ điều kiện làm được như các nước trên thế giới, tức là bám sát theo giá thị trường thế giới và điều hành giá hàng ngày thì nên rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày để phù hợp với phương thức hiện nay mà các doanh nghiệp đầu mối đang mua xăng dầu ở trên thị trường thế giới. 

Như vậy cũng sẽ phản ánh sát hơn, giảm thiểu sự lệch pha giữa giá thị trường trong nước và thế giới.

Lâm Nghi t/h