Đắk Lắk: Lại chạy theo “lâm tặc”

14:51 14/04/2022

Gần 400 ha rừng tự nhiên bị tàn phá nhưng lực lượng chức năng không hay biết. Có hay không sự tiếp tay, làm ngơ để lâm tặc phá rừng?

Tỉnh Đắk Lắk vừa “tình cờ” phát hiện ra một vụ án “động trời”: hơn 300 ha rừng ở tiểu khu 205, thuộc xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp bị phá trắng, không sót một cây gỗ nào. Khu rừng này năm 2020 được huyện giao cho UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý, bảo vệ. Khi lực lượng chức năng đến nơi thì hàng ngàn cây gỗ đã bị mang đi và rất nhiều cây khác có đường kính từ 5 đến 20 cm bị cưa đổ vẫn còn nằm ngổn ngang, nhiều cây lá vẫn còn xanh.

hơn 300 ha rừng ở tiểu khu 205 bị phá trắng, không sót một cây gỗ nào.
Hơn 300 ha rừng ở tiểu khu 205 bị phá trắng, không sót một cây gỗ nào. Ảnh minh họa

Vụ việc lập tức được báo cáo lên Chi cục Kiểm lâm rồi sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk. Còn Huyện ủy, UBND huyện Ea Súp thì cuống cuồng chỉ đạo các cơ quan chức năng “kiểm đếm số gỗ bị chặt hạ, vào cuộc điều tra”. Nhưng bọn lâm tặc đã lặn mất tăm tự bao giờ, đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng.

Cũng như hàng ngàn vụ phá rừng khác, tất cả đều có một điểm giống nhau là từ kiểm lâm đến công an, chính quyền luôn luôn chạy theo sau lâm tặc. Bởi khi đến nơi thì rừng đã bị phá tan hoang. Và tiếp theo là “bài ca đổ lỗi” lại được cất lên. Trong vụ phá trắng 300 ha rừng này, ngoài việc đổ lỗi cho dịch bệnh thì tỉnh đổ cho huyện, huyện đổ cho xã. Còn ông Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thì cao giọng: “UBND tỉnh đang theo sát diễn biến vụ phá rừng ở huyện Ea Súp, cơ quan công an đang vào cuộc để điều xác minh. Quan điểm là cá nhân, tổ chức nào vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

300 ha rừng, tức là 3 triệu mét vuông rừng chứ không phải một vài ngàn mét vuông rừng. Để phá trắng được 300 ha rừng ấy, lâm tặc phải phá trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Việc phá rừng không thể chỉ bằng vài con dao, mà phải huy động rất nhiều phương tiện, máy móc để cưa cây, cắt cây, rồi phải dùng rất nhiều xe, cả xe thô sơ lẫn xe cơ giới để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, phải có nơi tập kết gỗ để tiêu thụ…có thể nói đó là một “đại công trường” hoạt động ầm ỹ, nhộn nhịp suốt ngày đêm. Cả lực lượng kiểm lâm lẫn lực lượng công an chính quy hiện tại đã được bố trí đến tận xã. Vậy thì lực lượng ấy ở đâu? trong khi nhiệm vụ chính của kiểm lâm là bảo vệ, ngăn chặn việc phá rừng chứ không phải để rừng bị phá tan hoang rồi mới đến để “kiểm đếm” số gỗ bị chặt hạ và “đo đạc” để biết diện tích rừng bị phá. Còn công an thì có trách nhiệm phát hiện, phòng chống, ngăn chặn không để tội phạm xảy ra chứ không phải để tội phạm xảy ra rồi mới chạy theo để điều tra, xử lý.

Trong vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này, không loại trừ có một số cá nhân nằm trong chính quyền hoặc cơ quan chức năng cấu kết với bọn lâm tặc. Bằng chứng là lãnh đạo một công ty gần đó đã chứng kiến việc phá rừng rất nhiều lần. Và cũng rất nhiều lần ông gọi điện cho các cơ quan có trách nhiệm để phản ánh. Nhưng hễ lực lượng chức năng kéo đến, thì hình như bọn lâm tặc đã biết trước, và lặn mất tự bao giờ.

Trong vụ mất 300 ha rừng này, có trách nhiệm của từ xã đến tỉnh.

Bút Thép