Đại biểu QH: Trong luật, mảng đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế còn thiếu nhiều

17:51 25/05/2023

Trước khi các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) và Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. HCM) đã trao đổi với báo giới về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Ảnh minh họa
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Đại biểu Quốc hội tinh Thái Nguyên: Một số thiết bị y tế đặc biệt và đặc chủng có thể đưa vào danh mục đấu thầu tập trung quốc gia.

Trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định chung về tình trạng khẩn cấp gồm có thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh… và các vấn đề liên quan đến an toàn sức khỏe trực tiếp của con người thì đấy được gọi là những trường hợp đặc biệt cần phải chỉ định thầu nhanh, giảm thiểu đi tác hại của các yếu tố bất lợi, bất ngờ.

Trong bệnh viện, để phân tích được những yếu tố mang tính bất ngờ thì quả là điều chúng ta cần suy nghĩ. Ví dụ như một cái máy DSA để chuyên can thiệp cho các bệnh nhân tai biến mạch máu não, nếu như cái mày hỏng, mai có bệnh nhân đến mà không có máy sử dụng thì người bệnh bị ảnh hưởng sức khỏe và có thể mãi mãi không hồi phục được. Thế nhưng nếu chúng ta áp việc mua cái bóng của cái máy hỏng đấy theo cách thức chỉ định thầu thì đôi khi người ta lại nghĩ là chúng ta lạm dụng. Tôi cho rằng, những yếu tố này quả là khó và hiện giờ đang gặp ở rất nhiều bệnh viện. Tương tư như vậy, một cái máy CT không chụp được cho bệnh nhân đang cấp cứu, ngày hôm nay bóng hỏng, bệnh nhân chắc chắn sẽ đến vào ngày mai, nếu hỏi đấy có coi là những trường hợp cấp cứu không thì tôi cho là cũng là cấp cứu.

Tôi cho rằng, một số thiết bị y tế đặc biệt, thay thế và đặc chủng thì chúng ta có thể đưa vào danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, để khi các bệnh viện cần đến thì chỉ việc gọi hàng và trả tiền, giảm đi rất nhiều bởi vì mỗi một bệnh viện đều làm một gói thầu, rất lãng phí về nhân lực, thời gian, không đáp ứng được nhu cầu. Tôi cho rằng, yếu tố để đánh giá trong việc cấp cứu bệnh nhân, sức khỏe con người nó khác với đánh giá so với thiên tai, bão lũ và đôi khi nó còn nhanh hơn, cấp tốc hơn mà những người không có chuyên môn có thể người ta không hiểu ra được điều đó.

Về thẩm quyền phê duyệt những gói thầu đặc biệt, theo quy định cơ quan cấp nào cấp nguồn kinh phí thì cơ quan đó phải ra quyết định. Ví dụ như nguồn kinh phí ngân sách nhà nước thì Bộ chủ quản phải ra quyết định. Còn nếu như ngân sách thuộc về chi thường xuyên đã được giao tự chủ thì cho đơn vị có nguồn ngân sách thường xuyên đó tự quyết định cho kịp thời.

Hiện nay chúng ta cũng thấy có rất nhiều vấn đề liên quan đến đấu thầu, như đấu thầu dài ngày, đấu thầu trên mạng rất tốt nhưng đôi khi cũng bộc lộ những điểm chưa được hoàn thiện. Ví dụ như đơn thuốc trên mạng, chúng ta có thời gian kéo dài cho nhiều đơn vị tham gia, nhưng đối với những gói thầu đơn giản, rẻ tiền thì lại trở thành phức tạp và không cần thiết mà lại không kịp thời. Đặc biệt là các gói thầu phức tạp thì có đơn vị lại chưa kịp để tham gia, có những người biết được trước thì  làm hồ sơ rất là nhanh, còn những người mới biết mà cho người ta 5 ngày thì đúng là không kịp để làm hồ sơ dự thầu. Đây cũng là yếu tố mà các đại biểu hiện nay rất quan tâm. Về điểm tốt của đấu thầu qua mạng, rất khách quan, nhiều nhà đấu thầu, tiết kiệm ngân sách… Nhưng cũng có gói thầu mang tính chất đặc biệt như những gói thầu mang tính kiến trúc, thẩm mỹ, không thể định hình được bằng máy móc mà bằng các chỉ số cụ thể, Thì chúng ta lại phải làm gói thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ để đánh giá trước được giá trị về nghệ thuật, giá trị và chiều sâu, giá trị đặc biệt không thể đánh giá được bằng các chỉ số thông thường. Luật lần này sẽ khắc phục được rất nhiều các điểm còn bất cập của luật năm 2014.

Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội TP HCM: Đấu thầu chỉ là phương tiện, trong khi cái quan trọng nhất là mục tiêu, hiệu quả thì chúng ta lại bỏ lỡ.

Ảnh minh họa
Bà Phạm Khánh Phong Lan.

Luật Đấu thầu cần phải ghi cho rõ thế nào là khẩn cấp. Tránh tình trạng mỗi bên nhìn khẩn cấp theo cách khác nhau. Trong luật có quy định là trong trường hợp cấp cứu nhưng thực ra không chính xác hoàn toàn, bởi vì cũng có trường hợp đâu phải bệnh nhân cấp cứu thì mới là khẩn cấp, có những loại thuốc hoặc những vật tư y tế rất cần thiết cho những bệnh nhân mà không phải trong tình trạng cấp cứu mà vẫn nguy hiểm đến tính mạng... Theo tôi, Luật lần này đã có đầu tư sửa chữa và tiếp thu những ý kiến của đại biểu khá nhiều nhưng riêng về mảng đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thì vẫn còn thiếu nhiều. Thứ nhất là, làm sao để chúng ta đừng cho rằng, đấu thầu là một biện pháp, con đường duy nhất để tiếp cận thuốc. Bởi vì đấu thầu còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, kể cả nguy cơ tiêu cực nhưng riêng đối với ngành y tế thì đấu thầu qúa tốn thời gian, công sức và chúng ta để tiêu chí chọn đấu thầu, chọn qua chọn lại một hồi thì cũng trở thành là giá rẻ, mà khi giá rẻ thì khó đảm bảo chất lượng. Chúng ta có thể tiết kiệm được tiền mua các thứ cần thiết nhưng về hiệu quả điều trị thì đôi khi sẽ còn tốn kém hơn nhiều. Vấn đề thứ hai đối với ngành y tế là trong thực tiễn, luật không ảnh hưởng nhiều lắm mà ảnh hưởng là các nghị định và thông tư sau luật. Luật lần này có một nhược điểm cũng giống như nhiều luật khác đó là trình Quốc hội nhưng không trình được nghị định và thông tư đi kèm, sau này không biết như thế nào.

Trước đây tôi cũng phản  ánh một vấn đề là lập giá kế hoạch dựa trên giá trúng thầu thấp nhất trong 12 tháng trở lại. Và như vậy thì năm sau giá trúng thầu phải thấp hơn năm trước. Cứ như vậy đến một lúc nào đó, theo lý thuyết giá có thể xuống con số là 0 đồng nhưng những cái đấy đâu có quy định trong Luật Đấu thầu mà lại quy định trong Thông tư 14 của Bộ Y tế. Cho nên, chúng ta cũng phải xem lại về những chủ trương khi mà luật đi vào cuộc sống thì nghị định và thông tư cũng cần lấy ý kiến đóng góp, tránh tình trạng sau đó gây ách tắc cho chính về những quy định của chúng ta.

Tôi thấy một điều rất là đơn giản, thời gian vừa qua chúng ta có Nghị quyết 30 của Quốc hội, sau đó có Nghị quyết 30 của Chính phủ, ai cũng thấy đều có mục tiêu nếu như mua sắm một cách bình thường theo đấu thầu như thế này không giải quyết được vấn đề, dẫn đến tình trạng cung ứng thiếu, đặc biệt trong dịch bệnh. Bài học lớn nhất trong dịch bệnh là với tất cả quy định trong luật, xin hỏi cuối cùng chúng ta có mua được vắcxin hay không. Rõ ràng chúng ta đâu có mua được nhưng may cho chúng ta là có công ty tư nhân họ thương thảo được. Tư nhân thì không bị lệ thuộc vào tất cả các quy định như vậy cho nên tự nhiên làm được điều mà Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành không làm được, và cuối cùng là tháo gỡ được tình trạng thiếu vắcxin. Chúng ta phải thấy từ thực tế đó thì phải làm sao để tháo gỡ, để chủ động hơn, vì nói gì thì nói nếu đàm phán quốc gia, nếu chúng ta có những cơ chế phù hợp để mua sắm thuốc, vắcxin, vật tư y tế, thì nó sẽ kịp đáp ứng những trường hợp cấp bách hơn và dẫu sao với vị thế quốc gia, nguồn lực cũng sẽ nhiều hơn chỉ là một công ty tư nhân. Chúng ta đã có các Nghị quyết nhưng những điều khoản áp dụng trong Nghị quyết 30 của Quốc hội và Nghị quyết 30 của Chính phủ chưa được tổng kết lại để đưa vào trong luật, bởi vì Nghị quyết thì vẫn chỉ là Nghị quyết. Còn nếu căn cơ thì phải được luật hóa và cơ hội lúc này chính là để sửa luật nhưng có lẽ cái khó thì chúng ta chừa lại. Những quy định về quy trình đấu thầu rất chi tiết, rất nhiều đầu tư nhưng riêng về lĩnh vực y tế mà chỉ hài lòng với dự thảo như vậy thì tình trạng thiếu đủ thứ sẽ vẫn còn tiếp diễn và vài năm nữa chúng ta lại họp nhau lại để sửa luật. Đấu thầu chỉ là phương tiện thì chúng ta lại quá đề cao, trong khi cái quan trọng nhất là mục tiêu, hiệu quả thì chúng ta lại bỏ lỡ...

Về thẩm quyền quyết định phê duyệt các gói thầu đặc biệt, nếu như tôi có quyền quyết định thì tôi sẽ đề nghị ghi rõ ràng trong Luật những trường hợp áp dụng cấp bách và sau đó thẩm quyền sẽ thuộc về đơn vị đứng ra chủ thầu. Đó chính là các đơn vị điều trị, các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh và chịu trách nhiệm là Hội đồng thuốc và điều trị. Ở đây cũng là một vấn đề là tăng tính tự chủ bệnh viện, chúng ta hô hào xã hội hoá y tế, nhưng xã hội hóa y tế này chỉ tập trung ở chỗ nhà nước cấp không có chi phí tiền, không có đầu tư thêm nhưng làm gì cũng bị trói buộc và ràng buộc. Trong một số điều kiện nếu chúng ta không có linh động thì sẽ dẫn đến việc cứu chữa bệnh nhân không được kịp thời. Đương nhiên từ đó câu hỏi sẽ đưa ra là lại sợ tiêu cực. Tôi cho rằng, một khi tiêu cực thì cấp trên cũng có thể tiêu cực, cấp dưới cũng có thể tiêu cực nhưng ít ra là đơn vị quyết định danh mục thuốc, sử dụng cho bệnh nhân của họ liên quan trực tiếp đến cái thương hiệu, uy tín của bệnh viện thì người ta sẽ có trách nhiệm hơn, đừng nên nhìn ai cũng là kẻ cắp.

Về vấn đề chỉ định thầu dễ nảy sinh tiêu cực, theo tôi Luật nên quy định làm sao để càng công khai minh bạch càng tốt. Nói chỉ định thầu có thể phát sinh tiêu cực thì tôi đồng ý nhưng đừng nói đấu thầu rộng rãi không phát sinh tiêu cực. Bản chất của đấu thầu là túi này, túi kia, đóng lại tới giờ nó mở ra, nó thần bí như vậy. Trong quá khứ cũng như hiện tại cũng cho chúng ta thấy trong đấu thầu, quân xanh, quân đỏ đầy ra. Chỉ định thầu không phải cách duy nhất để người ta thực hiện gian lận, mà hình thức nào cũng vậy, cái đó tuỳ ở giáo dục, bản chất và phẩm chất của mỗi con người. Do vậy, Luật nên có những quy định rõ ràng trường hợp nào là khẩn cấp để có thể áp dụng một cách đúng đắn, tránh tình trạng sau đó lại so đắt, so rẻ và xử lý nhân viên, như vậy sẽ rất là khó. Tôi không khuyến khích hình thức chỉ định thầu, mà nên tập trung những nhóm hàng có đủ tiêu chí về tính lập lại cũng như số lượng cần sử dụng. Ví dụ như các loại vắcxin, rồi trong thuốc thì có thuốc thuộc các nhóm biệt dược có giá trị rất cao nhưng chỉ có 1 nhà sản xuất thì đấu thầu sẽ không có ý nghĩa. Chúng ta nên tập trung đàm phán giá mà đàm phán giá mức độ Quốc gia hay mức độ Sở Y tế tập hợp cho các bệnh viện thì nó sẽ có lợi nhiều hơn.

P.V