Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu cùng với sáu luật khác nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Động thái này nằm trong định hướng chung của Đảng và Nhà nước về việc hoàn thiện khung pháp lý để thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới, đồng thời xử lý các vướng mắc thực tiễn phát sinh trong quá trình thực thi và quản lý nhà nước.
Cụ thể, Bộ Tài chính xây dựng dự án một luật sửa bảy luật, bao gồm: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu - thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, Luật Đấu thầu được tập trung điều chỉnh theo hướng tạo hành lang pháp lý linh hoạt, cởi mở và thực tiễn hơn, nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Dự thảo sửa đổi đề xuất bổ sung các quy định về áp dụng Luật Đấu thầu đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ, theo đó, tổ chức và cá nhân chủ trì nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán chi từ ngân sách nhà nước hoặc thực hiện mua gom hàng hóa, dịch vụ từ các hộ gia đình, cá nhân trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được trao quyền tự quyết trong lựa chọn nhà thầu. Điều này phản ánh sự chuyển hướng từ quản lý chặt theo thủ tục sang kiểm soát hiệu quả đầu ra, phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, vốn đòi hỏi sự chủ động và linh hoạt trong triển khai. Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung nhóm đối tượng sản phẩm, dịch vụ được hưởng ưu đãi trong đấu thầu như sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản phẩm công nghệ số sản xuất trong nước theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; các tổ chức, doanh nghiệp như trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức nghiên cứu – phát triển, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng được đưa vào nhóm đối tượng được ưu tiên trong lựa chọn nhà thầu khi tham gia cung ứng các sản phẩm này.
![]() |
Đề xuất ưu đãi đấu thầu cho sản phẩm đổi mới sáng tạo công nghệ số |
Về mặt tổ chức đấu thầu, dự thảo đề xuất bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư trong nước được liên danh với nhà đầu tư nước ngoài hoặc sử dụng nhà thầu phụ là tổ chức nước ngoài khi tham gia đấu thầu các dự án phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia tổ chức theo hình thức trong nước, với điều kiện nhà đầu tư trong nước là bên đứng đầu liên danh. Đồng thời, nhà thầu trong nước cũng được phép liên danh với nhà thầu nước ngoài hoặc sử dụng nhà thầu phụ nước ngoài khi tham gia gói thầu tương tự. Việc này góp phần mở rộng không gian hợp tác quốc tế, đồng thời bảo đảm vai trò chủ đạo của doanh nghiệp trong nước trong các dự án trọng điểm.
Một điểm quan trọng khác của dự thảo là tinh thần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cụ thể, dự thảo đề xuất bãi bỏ yêu cầu thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh và mua sắm trực tiếp, qua đó giảm bớt một tầng nấc thủ tục không cần thiết. Ngoài ra, vai trò của bên mời thầu trong nhiều khâu sẽ được chuyển giao cho tổ chuyên gia hoặc chủ đầu tư nhằm giảm thiểu sự phân mảnh trong quá trình tổ chức đấu thầu. Đối với hình thức chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh, luật sửa đổi sẽ chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản, còn chi tiết sẽ giao cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, cập nhật kịp thời với thực tiễn. Trong chỉ định thầu, dự thảo cũng bổ sung nguyên tắc thương thảo về giá, yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu phải thương lượng để bảo đảm giá trúng thầu tiết kiệm và hiệu quả về mặt kinh tế, tránh tình trạng áp đặt đơn giá thiếu cạnh tranh.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất sửa đổi nội dung về mua sắm tập trung, theo đó, giao Chính phủ quy định chi tiết hình thức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu áp dụng hình thức này. Ngoài ra, để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ trọng yếu, dự thảo bổ sung trường hợp được chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án do doanh nghiệp sở hữu hoặc có bản quyền công nghệ chiến lược đề xuất, đồng thời đã triển khai hạ tầng, nền tảng số trước đó nhằm bảo đảm tính đồng bộ, liền mạch về công nghệ, hạ tầng giữa các giai đoạn dự án. Những điều chỉnh này kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, giúp tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, thu hút nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.