Trả lời về vấn đề giấy phép lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, Bộ thực hiện thanh tra toàn diện trên 63 tỉnh, thành phố về chất lượng đào tạo, tổ chức thi lý thuyết, sát hạch lái xe. Trong đó, khi phát hiện việc đào tạo, cấp bằng cho người nghiện, không đủ hành vi, Bộ trưởng cho biết, đã chỉ đạo Thanh tra Bộ xử lý nghiêm; đồng thời, chuyển 6 bộ hồ sơ sang cơ quan Công an xử lý.
Bộ Giao thông Vận tải đã khẩn trương chỉ đạo sửa đổi các thông tư, siết chặt quản lý, dứt khoát không để xảy ra tình trạng đào tạo, cấp bằng cho các đối tượng nghiện ma túy. Bộ trưởng khẳng định các giải pháp sắp tới sẽ được thể hiện rõ trong các văn bản chỉ đạo, thông tư.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, công tác sát đào tạo, sát hạch, cấp bằng, thanh tra, kiểm tra đã phân cấp, phân quyền cho địa phương. Bộ Giao thông Vận tải chỉ chịu trách nhiệm chức năng quản lý Nhà nước. Bộ đã có chỉ đạo tất cả các Sở Giao thông Vận tải phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý nghiêm vi phạm.
Đối với hiện tượng chủ doanh nghiệp vận tải ép các tài xế chạy xuyên đêm, gây tai nạn, Bộ trưởng cho biết, đây là một thực tế được dư luận, báo chí phản ánh. Trong Chỉ thị số 10 ngày 19/4/2023 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, với các vụ tai nạn giao thông gây ảnh hưởng nghiêm trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cần chủ trì đánh giá xác định nguyên nhân, giải pháp để khắc phục, rút kinh nghiệm, cá thể hóa trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an đã nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định hợp lý trong dự thảo các luật liên quan đến trật tự an toàn giao thông sắp được trình Quốc hội.
Tranh luận về vấn đề đào tạo lái xe, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu thực tế các vướng mắc, bất cập hiện nay gây lãng phí nguồn lực, thời gian cho xã hội và khó thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, quy định dạy học lý thuyết theo truyền thống, học viên phải đến lớp điểm danh,... không còn phù hợp với đa số người học, đi ngược lại với xu hướng, thành quả của khoa học, công nghệ. Theo đại biểu, việc đào tạo, sát hạch lái xe là hoạt động nghề nghiệp, theo quy định có hình thức đào tạo chính quy và thường xuyên, nhưng hệ thống pháp luật còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho cử tri và nhân dân.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, qua đợt rà soát vừa qua, Bộ nhận diện ra những hạn chế, vướng mắc nêu trên. Giải pháp của Bộ là sẽ điều chỉnh những vấn đề không còn phù hợp trong thông tư, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo thuận lợi, tránh lãng phí,...
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) dẫn lại báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải thống kê, tai nạn do xe kinh doanh vận tải gây ra chiếm khoảng 50% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân là nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa chấp hành nghiêm quy định như giao phương tiện cho người chưa được khám sức khỏe; ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến khi lái xe tải chạy quá giờ, chạy quá tốc độ, chạy xuyên ngày đêm dẫn tới buồn ngủ, gây tai nạn. Đại biểu Nguyễn Thị Huế chất vấn Bộ trưởng về các giải pháp để siết lại tình trạng này. Bên cạnh đó, đại biểu đưa ra vấn đề, tại một số địa phương, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe còn nhiều hạn chế như: đào tạo vượt số lượng được cấp phép, công tác kiểm tra, giám sát có nơi chưa thực hiện. Công tác giám sát học và thi sát hạch còn hình thức, còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi, không đủ sức khỏe. Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để chấm dứt tình trạng trên nhằm nâng cao chất lượng công tác này.
T.H