Cuộc khủng hoảng năng lượng điện của Trung Quốc trở thành mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu

22:17 28/09/2021

Cuộc khủng hoảng nguồn cung điện ngày càng tăng ở Trung Quốc không chỉ gây ra tình trạng mất điện cho các hộ gia đình mà còn buộc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, đe dọa đến tốc độ phát triển của nền kinh tế trong nước đồng thời gia tăng căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơi nước bốc ra từ các tháp làm mát tại một nhà máy nhiệt điện than ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc hôm thứ hai.
Hơi nước bốc ra từ các tháp làm mát tại một nhà máy nhiệt điện than ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc hôm thứ hai. (Ảnh: CNN)

Theo phương tiện truyền thông đưa tin, các công ty ở những vùng trung tâm công nghiệp của nước này đã được yêu cầu hạn chế tiêu thụ năng lượng nhằm giảm nhu cầu điện năng. Nguồn cung hiện thiếu hụt trầm trọng đến mức cần phải giảm tải công suất tiêu dùng hộ gia đình thậm chí thường xuyên mất điện thang máy khiến nhiều người mắc kẹt. Tờ Global Times cho biết đã có một đợt cắt điện “bất ngờ và chưa từng có” ở ba tỉnh Đông Bắc hôm thứ Hai. Kế đến là những hạn chế và phân chia điện năng ở Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh đã “dẫn đến những gián đoạn lớn đối với cuộc sống thường nhật của người dân và hoạt động kinh doanh”.

Tình trạng thiếu điện cũng ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm công nghiệp và vận tải biển lớn hàng đầu. Các quan chức địa phương cho biết rằng, nhiều công ty đang cố gắng giảm nhu cầu tiêu thụ điện bằng cách chỉ làm việc hai hoặc ba ngày mỗi tuần. Tổng Công ty điện Nhà nước của Trung Quốc hôm thứ Hai cho hay, sẽ “dốc toàn lực để chiến đấu với cuộc chiến cung cấp điện” và nỗ lực hết sức để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự vào tháng Sáu, nhưng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Các ngành công nghiệp của nước này đang phải đối mặt với áp lực rất lớn từ giá năng lượng tăng cao và tham vọng giải quyết lượng khí thải carbon của Bắc Kinh. Đất nước được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” tất nhiên không nằm ngoài nguyên nhân phát thải carbon gây ô nhiễm. Tuy nhiên, được biết Trung Quốc đang cố gắng đáp ứng cam kết về lượng khí thải vào năm 2030. Điều này đòi hỏi các tỉnh, các khu công nghiệp sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch hơn cho mỗi đơn vị sản lượng kinh tế. Đồng thời, nhu cầu hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đã tăng lên đáng kể sau đại dịch dẫn đến thiếu hụt năng lực về mọi mặt.

Trong bối cảnh đầy cam go, các nhà cung cấp quốc tế hiện đang gấp rút chuẩn bị ứng phó với tác động tiêu cực như thiếu nguồn cung và chậm trễ vận chuyển trên toàn cầu. Pegatron, một công ty Đài Loan sản xuất linh kiện và lắp ráp iPhone cho Apple cho hay họ đang hợp tác với “các chính sách của chính quyền địa phương” để “kích hoạt các cơ chế tiết kiệm năng lượng và giảm sản lượng”. Pegatron có một nhà máy lớn ở thành phố Côn Sơn, miền Đông Trung Quốc, nơi truyền thông Đài Loan đưa tin rằng chính quyền đang hạn chế cung cấp điện.

Theo Dale Gai, Giám đốc tại Counterpoint Research, việc phân chia điện năng có thể tạo ra những “vết nứt” mới cho chuỗi cung ứng công nghệ. Mặc dù vấn đề này có thể không nghiêm trọng bằng thiếu chip bán dẫn lắp ráp ô tô và các thiết bị điện tử, nhưng sự cố ngừng hoạt động ở nhiều nơi có thể dẫn đến một số sự chậm trễ trong thời gian ngắn. Gai nói: “Chậm sản xuất một tuần hoặc lâu hơn là điều có thể xảy ra. Ta sẽ quản lý được thôi nhưng đó vẫn là sự chậm trễ”.

Cắt giảm dự báo tăng trưởng

Cú sốc năng lượng điện thậm chí đang khiến các nhà kinh tế cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các nhà phân tích tại Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2021 xuống nửa điểm phần trăm xuống 7,7% vào thứ Sáu, với lý do “số lượng nhà máy gia tăng” nhưng phải “ngừng hoạt động” do yêu cầu kiểm soát tiêu thụ năng lượng địa phương hoặc mất điện do do giá than tăng.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 7,8% từ 8,2%, dựa trên “những đợt mạnh tay cắt giảm sản xuất trong một loạt các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng cao gần đây”. Khối chuyên gia lưu ý “sự không chắc chắn” bắt đầu vào quý cuối cùng của năm trong thời điểm Trung Quốc đối mặt với vụ vỡ nợ của Evergrande.

Vấn đề cung cấp năng lượng không phải là mới đối với Trung Quốc. Vào mùa Hè năm nay, một số tỉnh của Trung Quốc đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện trong cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất của đất nước kể từ năm 2011. Nhưng các báo cáo mới nhất thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Đài Truyền hình CCTV đưa tin, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng ở các khu vực phía Đông Bắc sẽ “tiếp tục trong một thời gian”.

Trung Quốc đã vươn lên phục hồi trong đại dịch phần lớn nhờ vào bùng nổ xây dựng và sản xuất. Tuy nhiên các dự án bất động sản và nhà máy đòi hỏi hàng tấn năng lượng để hoạt động, kéo theo lượng than khổng lồ. Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 5 từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), việc tập trung vào cơ sở hạ tầng và xây dựng đã đẩy lượng khí thải carbon của Trung Quốc lên mức cao kỷ lục trong quý đầu tiên của năm 2021. Cơ quan này chỉ ra đó là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Nhà kinh tế Larry Hu của Macquarie viết trong một nghiên cứu: “Nền kinh tế được thúc đẩy bởi khu vực công nghiệp nhiều hơn là khu vực tiêu dùng. Thật không may, cường độ sử dụng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp cao hơn nhiều so với trong lĩnh vực tiêu dùng”. Trong khi đó, bùng nổ hàng hóa sau đại dịch và các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng đã khiến giá than tăng cao. Hu chỉ ra rằng giá than nhiệt chủ yếu được sử dụng để sản xuất điện đã tăng trong năm nay từ 671 nhân dân tệ / tấn lên khoảng 1.100 Nhân dân tệ.

Các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng

Theo một số nhà phân tích, có lẽ yếu tố giúp cải thiện tình hình cũng là động lực lớn nhất cho Trung Quốc là đạt được mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình trung hòa carbon vào năm 2060. Theo Hu, chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu giảm 3% “cường độ năng lượng” trên một đơn vị GDP trong năm nay. Tháng 8, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã kêu gọi gần như mọi khu vực lớn trong nước, yêu cầu kiềm chế hoặc giám sát mức tiêu thụ và cường độ năng lượng trong suốt thời gian còn lại của năm.

Cơ quan này cho biết, 9 trong số gần ba mươi tỉnh và khu vực trên toàn quốc đã tăng cường độ sử dụng năng lượng trong nửa đầu năm nay, bao gồm tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc. 10 tỉnh khác có tên Hắc Long Giang và Liêu Ninh không đáp ứng các yêu cầu về năng lượng. Các nhà phân tích của Nomura cho hay: “Quyết tâm chưa từng có của Bắc Kinh trong việc thực thi các giới hạn tiêu thụ và cường độ năng lượng có thể mang lại lợi ích dài hạn vô giá, nhưng chi phí ngắn hạn đối với cả nền kinh tế thực và thị trường tài chính là rất lớn”.

Một số hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng kêu gọi cân bằng giữa việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát. Các khu vực “không thể làm quá quyết liệt” hoặc “kìm hãm quá mức” trong việc kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng đã được nhắc đến trong một bài báo trên tờ Nhật báo Nhân dân. “Vì điều này liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế và xã hội, cần phải xác định xem nên làm việc ở đâu và giữ sự cân bằng như thế nào”, bài báo viết. "Nếu không, cuộc khủng hoảng có thể khiến ta mất cảnh giác, đặc biệt là đối với một số ngành công nghiệp nhất định, nơi có thể bị buộc phải ngừng sản xuất trong thời gian ngắn”.

TL (theo CNN)