Cuộc cách mạng AI có thể định hình thị trường việc làm thế nào?

16:36 16/10/2023

Sự phát triển nhanh chóng của AI gần đây đã tác động mạnh mẽ lên xu hướng thị trường lao động. Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí DNHN đã có cuộc phỏng vấn với TS. Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Nhân sự và Tổ chức, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT.

Tiến sĩ Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Nhân sự và Tổ chức, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT
Tiến sĩ Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Nhân sự và Tổ chức, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT.

PV: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây đã dự báo trí tuệ nhân tạo (AI) có có thể thay thế 85 triệu vị trí việc làm vào năm 2025. Điều này đang cho thấy khả năng tác động mạnh mẽ lên xu hướng thị trường lao động của AI. Vậy tại Việt Nam, trong tương lai, ông đánh giá sẽ có những tác động nào của công nghệ AI đến thị trường lao động trong nước?

Tiến sĩ Jung Woo Han: Gần đây báo chí đã đưa tin CEO của Dukaan, một công ty CNTT ở Ấn Độ, chia sẻ trên Twitter rằng, doanh nghiệp của ông đã thay thế 90% nhân viên hỗ trợ khách hàng bằng chatbot AI. Đây là một ví dụ thực sự thú vị – nó phản ánh điều mà nhiều nghiên cứu đã dự đoán, đó là số lượng việc làm bị mất đi do sự nổi lên của AI có thể ngày càng nhiều. Mặc dù con người đã sinh sống và làm việc với nhiều loại AI khác nhau trong vài thập kỷ qua, sự xuất hiện của AI tạo sinh (generative AI) thực sự thu hút sự chú ý của công chúng kể từ khi ChatGPT nổi lên nhờ khả năng sáng tạo nội dung thông minh, thậm chí công cụ này đã chinh phục kỳ thi thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Pennsylvania. Trên thực tế, ChatGPT có thể tạo ra nhiều loại nội dung, từ soạn báo cáo thị trường đến lập trình ứng dụng. Vì vậy, công cụ này đã trở thành “cơn ác mộng” đối với nhiều người tìm việc trong tương lai trên toàn thế giới. Đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều về năng lực sáng tạo bậc cao của AI tạo sinh. Công cụ AI tạo sinh tiên tiến nhất như ChatGPT nhìn chung vẫn chưa đủ để thay thế hoàn toàn lực lượng lao động nhưng có thể giúp nâng cao năng suất của con người. Tuy nhiên, năng suất tăng cũng đồng nghĩa với việc các tổ chức có thể thuê ít người hơn để sản xuất ra cùng một sản lượng. Vì vậy, công bằng mà nói sẽ có một số tổn thất trên thị trường việc làm.

Mặc dù các lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng có thể là mối đe dọa to lớn trong tương lai gần, các chuyên gia tin rằng ảnh hưởng có thể vẫn chỉ giới hạn ở một quy mô nhất định, cụ thể là người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng hơn những người trong lĩnh vực sản xuất. Quay trở lại ví dụ về việc thay thế 90% nhân viên hỗ trợ dịch vụ khách hàng bằng chatbot AI, điều này chỉ khả thi vì công việc đó có thể được tự động hóa bởi AI tạo sinh. Các nước phát triển như Mỹ sẽ chịu tác động trong ngắn hạn vì gần 80% lực lượng lao động của họ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi AI hơn. Tuy nhiên, là một nền kinh tế mới nổi vẫn phụ thuộc đáng kể vào lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp, Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi AI (21,2% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ vào năm 2021). Do đó, tác động ngắn hạn của AI tới thị trường việc làm Việt Nam sẽ tương đối thấp. Nhưng điều này không có nghĩa là con người an toàn trước công nghệ đột phá. Chúng ta không nên quên AlphaGo - trí thông minh nhân tạo được phát triển bởi công ty con của Google đã đánh bại nhà vô địch thế giới môn cờ vây chỉ sau một năm học trò chơi này. Tốc độ học của AI nhanh một cách phi thường. Vì vậy, khi AI tiên tiến kết hợp với công nghệ robot mới nhất, thị trường việc làm trong các lĩnh vực khác có thể bị gián đoạn một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

Đại kiện tướng Ke Jie trong trận đấu cờ vây với AlphaGo
Đại kiện tướng Ke Jie trong trận đấu cờ vây với AlphaGo.

Theo ông, những ngành nghề và công việc cụ thể nào ở Việt Nam có thể chịu tác động mạnh từ trí tuệ nhân tạo và người lao động trong những lĩnh vực này nên chuẩn bị để thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của AI?

Tiến sĩ Jung Woo Han: Như đã đề cập phía trên, các lĩnh vực dịch vụ có nhiều nguy cơ bị mất việc làm bởi AI. Đáng chú ý, những công việc sáng tạo nội dung và mang tính chất lặp đi lặp lại trong văn phòng có nhiều khả năng bị thay thế bởi AI tạo sinh, trong đó phải kể đến nghề phân tích thị trường, viết tài liệu kỹ thuật và phát triển website, vốn từng được coi là nghề ổn định với người có trình độ đại học. Theo ước tính của OpenAI (nhà phát triển ChatGPT), các công việc có trình độ đại học sẽ chịu nhiều rủi ro hơn so với công việc chỉ đòi hỏi bằng cấp trung học. Đó là vì nhiều người có trình độ học vấn làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ có yêu cầu sáng tạo nội dung. Không chỉ vậy, khả năng tạo nội dung kết hợp yếu tố tương tác trực tiếp còn đe dọa những nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực dịch vụ, như cách AI mang tên Sapia có thể phỏng vấn ứng viên bằng chatbot trong quá trình tuyển dụng.

Tháng 5 năm ngoái, một số nhà báo ở Đài phát thanh NPR của Mỹ đã sản xuất một tập podcast với 100% nội dung do AI tạo ra (họ dùng ChatGPT cho nội dung và WellSaid Labs cho giọng nói). Thoạt đầu khi những người dẫn chương trình nghe tập podcast, họ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và bị cuốn hút bởi chương trình được chuẩn bị và đọc một cách rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một vài giây sau, họ nhận ra rằng mặc dù chương trình khá hay nhưng có một số vấn đề và con người có thể làm tốt hơn. Cụ thể, AI chưa có đủ sự tinh tế của con người, đặc biệt là chưa thể hiện được sự hài hước và cảm xúc xuyên suốt chương trình. Vì vậy, tôi cho rằng không cần phải lo lắng nhiều về nguy cơ mất việc trong thời gian sắp tới mà hãy tập trung vào trang bị những kỹ năng mới trong thời đại AI.

Sam Altman – CEO của OpenAI từng cho rằng, tính kiên cường (resilience) quan trọng hơn là chuyên môn sâu trong một lĩnh vực cụ thể. Nếu bạn chỉ chuyên về một lĩnh vực thì công việc của bạn sẽ dễ bị lập trình vào AI và thay thế hơn. Tuy nhiên, nếu kiến thức và kỹ năng của bạn mang tính chất đa ngành thì sẽ khó hơn để bị lập trình và thay thế bởi AI. Một điều không kém phần quan trọng, đó là tất cả các kỹ năng và kiến thức đều có thể rồi cũng sẽ được lấp đầy bởi AI. Tuy nhiên, có một lĩnh vực có thể không bao giờ bị thay thế bởi bất kỳ công nghệ nào. Đó là thái độ tích cực để xây dựng văn hóa năng suất, đổi mới và sáng tạo, từ đó khai phá tiềm năng vô hạn cho tổ chức.

KMPG ước tính năng suất tăng 2,5% nhờ AI tạo sinh
KMPG ước tính năng suất tăng 2,5% nhờ AI tạo sinh.

Bên cạnh những tác động tiêu cực thì AI cũng có thể tạo ra cơ hội mới cho thị trường lao động, chẳng hạn như trong lĩnh vực công nghệ và phát triển ứng dụng. Theo ông, cơ hội này có thể được tận dụng như thế nào?

Tiến sĩ Jung Woo Han: Một nghiên cứu gần đây của KMPG ước tính năng suất tăng 2,5% nhờ AI tạo sinh. Cần lưu ý rằng đây chỉ là một loại AI trên thị trường. Mức tăng năng suất sẽ còn cao hơn nữa nếu tính đến các loại AI khác. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận bàn tròn thuộc Tọa đàm Nhân sự RMIT-Deloitte 2023 gần đây, chúng tôi nhận ra rằng các doanh nghiệp chưa nhận thức rõ ràng về cách AI có thể tạo ra giá trị cụ thể cho công việc hàng ngày của họ. Tại tòa đàm, Phó Giáo sư Phạm Công Hiệp, Quyền Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới tại Khoa Kinh doanh thuộc RMIT Việt Nam, nêu ra một vấn đề quan trọng là AI được thiết kế để giao tiếp với con người thông qua giao diện trò chuyện. Tuy nhiên, không nhiều người biết đâu là cách phù hợp để giao tiếp với AI tạo sinh nhằm phát huy tối đa nội dung từ năng lực phân tích của AI. Vì vậy, cần phải đào tạo con người về cách giao tiếp với AI, tương tự như cách con người phải học giao tiếp với người khác.

Có thể nhận định rằng, nếu muốn xây dựng AI bền vững thì cần có sự phối hợp giữa các bên, chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Các cơ quan quản lý và các công ty công nghệ lớn đã lên tiếng bày tỏ sự cần thiết phải kiểm soát AI, nhưng ý tưởng về cách quản lý mô hình AI lại có sự khác biệt lớn tùy theo khu vực... Vậy tại Việt Nam, ông có đề xuất gì để đảm bảo rằng sử dụng AI trong thị trường lao động ở Việt Nam được thực hiện một cách công bằng và bảo vệ quyền riêng tư ?

Tiến sĩ Jung Woo Han: Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất về AI là công nghệ này cung cấp thông tin ưu việt và công bằng hơn. Tuy nhiên, một trong những mối quan ngại lớn trước viễn cảnh AI sẽ thống trị kiến thức trong xã hội con người, đó là độ tin cậy và đạo đức. Tại Tọa đàm Nhân sự RMIT-Deloitte 2023, Phó Giáo sư Hiệp cũng đã chia sẻ quan sát rằng, AI tạo sinh cố gắng trả lời câu hỏi ngay cả khi chúng không hiểu rõ câu hỏi. Ngoài ra, nguồn để AI tạo sinh đưa ra câu trả lời thường không đáng tin cậy hoặc không hợp lệ - điều này đặt ra câu hỏi về bản quyền và đạo văn. Hãy tưởng tượng nếu ngày càng có nhiều nội dung được viết và tạo ra dựa trên một AI thống lĩnh trên thị trường, thì thuật toán AI của họ sẽ tạo ra sự thiên vị nhất định. Hơn nữa, có rất nhiều báo cáo và nghiên cứu cho thấy AI có thể làm trầm trọng hóa nạn phân biệt chủng tộc và các hình thức phân biệt đối xử khác trong xã hội con người. Vì vậy, theo tôi, cần phải có khung pháp lý để ngăn chặn những tác động tiêu cực này.

Bảo Trinh (thực hiện)