Công nghiệp Điện tử - Những tiềm năng và thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập

15:59 06/04/2021

Cùng với xu thế phát triển toàn cầu, công nghiệp điện tử đang là một trong những ngành đang phát triển mạnh hiện nay. Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây ngành công nghiệp điện tử đã có những bước tiến vững chắc, và trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, thu hút nguồn nhân lực vô cùng dồi dào.

Ngành công nghiệp điện tử bắt đầu nổi lên trong thế kỷ 20 và hiện nay là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Xã hội đương đại đang sử dụng hàng loạt các thiết bị điện tử được tạo ra trong các nhà máy tự động hoặc bán tự động đã đưa vào sản xuất trong ngành. Ngành công nghiệp điện tử bao gồm rất nhiều các lĩnh vực khác nhau. Lực lượng lao động trung tâm đằng sau toàn bộ ngành công nghiệp này là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với doanh thu hàng năm vượt trên 481 tỉ đô la Mỹ tính đến năm 2018.

Bên trong nhà máy của Samsung Việt Nam.
Bên trong nhà máy của Samsung Việt Nam.. (Ảnh: VNExpress) 

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước trên thế giới. Thậm chí, nhiều tên tuổi lớn về thiết bị di động, điện tử đang có kế hoạch thiết lập nhà máy sản xuất ở Việt Nam, là cơ hội lớn cho công nghiệp điện tử phát triển. Cụ thể, Việt Nam đang là nơi đặt nhà máy của một số hãng công nghệ lớn như Samsung, LG, Canon, Intel... với số vốn hàng tỷ USD. Trong đó, riêng mảng sản xuất smartphone, hiện có Nhà máy Samsung sản xuất điện thoại dòng S, Note cao cấp và các sản phẩm phân khúc khác phục vụ thị trường Việt Nam và thế giới. Sự có mặt của các đại gia công nghệ đã góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển, trước tiên trên khía cạnh đóng góp cho xuất khẩu. 

Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với giá trị vượt ngưỡng 70 tỷ USD (cuối năm 2017). Nhờ chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI), việc Samsung (Hàn Quốc) lựa chọn Việt Nam là một cứ điểm toàn cầu cùng viễn cảnh từ xu hướng chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, trong đó có cả Apple, thì thứ hạng trên chắc chắn sẽ còn được cải thiện thêm nữa. Việt Nam đang đặt kỳ vọng rất lớn vào xu hướng công nghiệp 4.0, kinh tế số và kết nối 5G, như vậy không thể không có một chiến lược đầu tư đúng đắn, bài bản và lâu dài cho lĩnh vực điện tử, vi mạch. Đó cũng chính là con đường mà nhiều quốc gia Đông Á trong quá trình “hóa hổ” đã từng đi, thành công nhất phải kể tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau này là Trung Quốc.

Trong Chiến lược phát triển Công nghiệp Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã xác định: Điện tử là ngành công nghiệp tiềm năng, sản phẩm của sự kết tinh công nghệ cao, là ngành có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh quá trình phát triển “thế hệ công nghiệp thứ hai” làm nền tảng cho sự chuyển dịch sang “thế hệ công nghệ thứ ba”. Tuy nhiên, theo nhiều nhận định thì ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Việt Nam thực chất chỉ đang “có tiếng mà không có miếng”, bởi phần lớn giá trị xuất khẩu (95%) đều nằm trong tay khu vực FDI, trong khi các doanh nghiệp quốc nội thì èo uột và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn phải nhập khẩu. 

Công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp tiềm năng, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh quá trình phát triển.
Công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp tiềm năng, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh quá trình phát triển. (Ảnh: Internet) 

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này khi ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam như một số chuyên gia đã từng chỉ ra, chính sự vắng bóng của hoạt động R&D đã khiến hầu hết các doanh nghiệp điện tử Việt Nam không thể sở hữu nhiều công nghệ lõi, cho nên rất khó cạnh tranh để lớn mạnh thông qua chuyển đổi và hạ giá thành sản phẩm. Muốn phát triển công nghiệp, cần thiết phải có sự đầu tư thích đáng cho khoa học cơ bản, không thể mãi đi tắt đón đầu hay chỉ muốn ăn xổi. Để xây dựng thành công một nền kỹ nghệ, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị tốt liên quan đến những chuỗi phối hợp đồng bộ, tinh vi và tinh xảo - điều không phải cứ muốn là đào tạo hay trang bị ngay được, nhiều khi phải mất cả thế hệ. Chỉ khi có được nền tảng cơ bản, chúng ta hẵng nghĩ tới chiến lược hướng ứng dụng để cho ra những sản phẩm made in Vietnam thực thụ, dù cho đó chỉ là các chi tiết phụ trợ như thẻ nhớ, cell pin hay hóa chất tráng màn hình.

Ngoài ra, một nút thắt lớn nữa chính là ở thể chế. Trong khi tại các nước có nền kỹ nghệ điện tử phát triển, hầu hết những thương hiệu nổi tiếng đều thuộc tư nhân, thì khu vực này ở Việt Nam bao năm qua vẫn chưa thể lớn, một phần cũng bởi sự độc quyền của khối doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước và chính sách phân biệt đối xử hãy còn tồn tại nhiều bất cập, khiến rào cản gia nhập những lĩnh vực có tiềm năng sinh lợi lớn như viễn thông, internet là quá lớn. Mặc dù Việt Nam hiện cũng đã có một vài điểm sáng đáng ghi nhận như VinGroup cùng vị thế lẫn uy tín do FPT gây dựng từ lâu, song chỉ vậy là chưa đủ để có thể đưa cả ngành cất cánh. Thứ nữa, thành tựu của một số tên tuổi nêu trên, phần nhiều cũng do họ đang hoạt động trên những mảng và phân khúc thị trường vốn có nhu cầu rất lớn, còn lại thì hầu hết vẫn đang thiếu đầu tư cho R&D và định hướng chiến lược dài hơi trước áp lực đổi mới không ngừng.

Trước tình hình đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, cùng với Hàn Quốc xây dựng Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK). Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp cũng đang trong quá trình thảo luận với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) về việc phối hợp với Hiệp hội DN cơ khí Hàn Quốc (KOAMI) thành lập Trung tâm Công nghệ máy móc Việt Nam - Hàn Quốc (VKMTC) tại TP. Hồ Chí Minh. Với Nhật Bản, Cục Công nghiệp phối hợp với đại diện phía Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ôtô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử trong những năm tới.

Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, Cục Công nghiệp đề xuất, cần tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, các Doanh nghiệp điện tử cần chú trọng xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn nữa. Mỗi DN tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp, đồng thời cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới. Trên cơ sở đó, giúp DN nội tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt nhất./.

Đức Huân