Bài liên quan |
Quy hoạch bảo vệ môi trường: Tầm nhìn chiến lược |
Duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia tầm nhìn 2050 |
Ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch Bảo vệ Môi trường Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, khẳng định quyết tâm bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế hài hòa với thiên nhiên. Quy hoạch này, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 8/7/2024 theo Quyết định số 611/QĐ-TTg, thể hiện rõ tinh thần của Luật Bảo vệ Môi trường và pháp luật về quy hoạch, với trọng tâm là bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của người dân.
Quy hoạch nhấn mạnh việc không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, thay vào đó là phát triển kinh tế dựa trên tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế các-bon thấp. Tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, thông qua việc giảm thiểu chất thải, tôn trọng các quy luật tự nhiên và xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, hài hòa với môi trường.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Công Thành, nhấn mạnh rằng bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho các thế hệ tương lai.
Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia tầm nhìn 2050. |
Theo Thứ trưởng, quy hoạch đặt mục tiêu phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái nhạy cảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học. Đồng thời, quy hoạch định hướng xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung ở cấp quốc gia và địa phương, thiết lập mạng lưới quan trắc môi trường toàn diện nhằm hỗ trợ cảnh báo và quản lý các vấn đề môi trường một cách hiệu quả. Đây cũng là nền tảng để phát triển kinh tế bền vững, kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, quy hoạch đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, cải cách khung pháp lý, đến tăng cường ứng dụng công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Các giải pháp này không chỉ đảm bảo tính khả thi mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn và xu hướng phát triển bền vững trên toàn cầu.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: “Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch thì cần thiết có sự chủ động, quyết tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng và mỗi người dân. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường rất mong tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và các địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng rằng, với sự chủ động, tích cực tham gia của các Bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân, việc thực hiện Quy hoạch sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả, thu được những kết quả quan trọng, tạo ra một không gian xanh, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước và nâng cao chất lượng sống của người dân”.