Còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công

09:12 04/08/2022

Chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương đã báo cáo Chính phủ về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp đối với một trong những nhiệm vụ then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay - đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ảnh minh họa
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Ảnh Internet).

Báo cáo tóm tắt về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/7/2022 đạt 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (36,71%). 

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 1 cơ quan trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,6%), Thái Bình (67%), Tiền Giang (62,2%), Hưng Yên (61,1%), Ninh Bình (60,3%), Tây Ninh (60%)…

Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (34,47%), trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Qua làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ KH& ĐT đã tổng kết được khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 03 nhóm chính.

Thứ nhất, về nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên-môi trường; lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công.

Thứ hai, liên quan đến đến tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện. Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt...

Thứ ba là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường cần từ 6 đến 8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. 

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm. Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ KHĐT đề nghị lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai một số giải pháp trọng tâm, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách.

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, Thứ trưởng đề nghị, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan nghiên cứu sửa tổng thể các Luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công (một Luật sửa nhiều Luật). Trong đó, sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các Luật liên quan đến đầu tư công như Luật đất đai (như thống kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, giá đất, giá đền bù, thu hồi…); Luật NSNN (về phân cấp nhiệm vụ chi); Luật Xây dựng (về cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định BCNCKT, TKCS…); Luật Khoáng sản (về làm rõ khái niệm “khoáng sản” tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản)… Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. 

Tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm; phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án; Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án; Chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.

Bộ KH&ĐT đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công.Theo đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu san lấp; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

PV