“Chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh các bất cập. Các thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp, làm giảm hiệu quả của chính sách, đặc biệt là có quá nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp…”, ông Lê thẳng thắn.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp. Liều lượng chính sách còn khiêm tốn. Cùng với đó là số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.
Nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo ông Lê là do chính sách của nhà nước trong một số trường hợp đưa ra các tiêu chí phi thực tế, không sát đối với hoạt động của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, các văn bản luật khi được ban hành còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn cụ thể, hoặc có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo. Các văn bản luật chưa được cập nhật thường xuyên theo thực tế phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều văn bản luật chậm cập nhật gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp...
Từ thực trạng như trên, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê khuyến nghị, các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn. Cần có những điều chỉnh cả trong ngắn hạn và dài hạn theo hướng xây dựng các chính sách trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu; không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Các chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt; ưu tiên hỗ trợ các nhóm ngành trong các lĩnh vực tạo bệ đỡ kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến các ngành khác.
Lâm Nghi