Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, để thị trường bất động sản Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại, rất cần một chữ “thông” trong đó đặc biệt cần thiết phải “thông cầu, thông cung”- để cung và cầu bất động sản đang bị tắc nghẽn có thể gặp nhau, thị trường mới “đổi sắc”. Trong đó, có mấy việc cần phải làm, cấp bách đúng nghĩa.
Thứ nhất, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm, để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường.
Thứ hai, thông các nguồn lực và có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới.
Thứ ba, xem xét các giải pháp cải thiện mức lương tối thiểu để người dân có cơ hội tăng thu nhập, từ đó cầu cũng tăng lên.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng.
“Quan trọng nhất, cần lưu ý các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ, nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường. Khơi thông vốn cho thị trường bất động sản chính là khâu trọng yếu đó”, ông Thiên nói.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết luật để đảm bảo các quy định này sớm đi vào thực tế, có như vậy việc đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các bộ luật mới thực sự có ý nghĩa. Cần sớm có giải pháp phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; sớm có giải pháp phát triển nhà ở xã hội như chỉ đạo của Ban Bí thư; sớm bắt tay xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để đảm bảo có đủ căn cứ định giá đất và các hoạt động liên quan khác...
Về vấn đề này, TS Võ Trí Thành,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, cần phải hoàn thiện pháp lý với quy trình, thủ tục tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo là công cụ để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường.
Theo ông Thành, đối với các chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ đang chưa được như kỳ vọng, đặc biệt, hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản.
Vị chuyên gia này khẳng định, doanh nghiệp cần nỗ lực tái cấu trúc, phát triển bất động sản hợp túi tiền, nhu cầu của người dân. Phân khúc nhà ở xã hội, cần có cái nhìn nhận mới, theo hướng là kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Cuối cùng, để các Bộ Luật vừa được thông qua thực sự đem lại tác động tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam, TS Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế lưu ý, các văn bản hướng dẫn Luật phải thật sự “chất lượng”, cụ thể, chi tiết, đảm bảo thuận lợi để các đối tượng tiếp cận và thực hiện theo; các cơ quan chức năng cần hiểu đúng để có thể vận dụng chính xác trong quá trình thực hiện; cần đảm bảo sự công khai, tính minh bạch trong quá trình triển khai; tiếp tục đón nhận các ý kiến phản biện từ các đối tượng để hoàn thiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực thi; cần nghiêm minh, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý đúng và kịp thời.
“Hơn hết tiếp tục củng cố niềm tin người dân; tăng tính hấp dẫn các sản phẩm bất động sản, cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn với phân khúc nhà ở xã hội”, TS. Nguyễn Minh phong nói.
Nhân Hà