Nguyên nhân sự thay đổi này đến từ chủ trương giảm lượng sách tồn kho cuối năm, cộng thêm việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố thông tin chính thức về chủ trương thay mới sách giáo khoa nên các công ty phát hành có tâm lý e dè trong việc đặt hàng.
NXB GIáo dục thao túng thị trường sách giáo khoa
Trả lời báo chí ngày 22/8, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT - đã thông tin về tình trạng thiếu SGK cục bộ ở một số đầu sách và lớp đầu cấp. Theo ông Hùng Anh, việc thiếu SGK phần lớn là thiếu vài đầu sách trong bộ sách. Những cửa hàng có hiện tượng thiếu SGK phần lớn là những cửa hàng nhỏ lẻ, không thuộc hệ thống cửa hàng, siêu thị sách của NXB Giáo dục Việt Nam.
Nguyên nhân khác, trước thông tin sắp thay SGK mới, một vài Công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương năm nay đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam.
Nhưng liệu câu chuyện, vì để tránh tồn kho mà khiến không ít các bậc phụ huynh “nháo nhác” và khổ sở khi thiếu SGK ngay những ngày đầu khai giảng năm học 2018 có liên đới gì đến câu chuyện độc quyền và “miếng bánh” quyền lợi ở đây hay không?
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Độc quyền SGK khiến NXB duy nhất thuộc Bộ GD&ĐT sẽ thao túng thị trường. Một khi không có cạnh tranh, SGK khó phát triển và học sinh chính là đối tượng chịu thiệt thòi”, ông Khuyến nhìn nhận.
Trả lời câu hỏi phải chăng cơ chế hiện tại đã tạo điều kiện cho các "lợi ích nhóm" ăn chia "miếng bánh thị phần" béo bở? ông Khuyến khẳng định, đây là "miếng bánh" rất lớn. Quy định “một chương trình, một bộ SGK” của Luật giáo dục hiện tại tạo kẽ hở cho cho tiêu cực, do đó cần được chỉnh sửa sớm.
Chương trình hiện tại còn không ổn ở chỗ Bộ GD&ĐT là người chỉ đạo soạn thảo chương trình, thành lập ban soạn thảo, sau đó lại quyết định thông qua. Nếu Bộ GD&ĐT vẫn muốn "ôm" mọi quyền quyết định, sẽ có người đổ xô để lấy lòng. Tất cả dễ dẫn đến tiêu cực.
“Hơn nữa, biên soạn và in SGK sử dụng tiền từ ngân sách Nhà nước cũng không ổn. Điều này sẽ tạo tiêu cực khi nhiều cá nhân, tổ chức cố gắng “chạy chọt”, “móc ngoặt” để lấy cơ chế in sách độc quyền, chia lợi nhuận”, ông Khuyến bày tỏ.
Chuyện "công việc" của chuyên viên ngành giáo dục
Vậy ai sẽ có lợi từ “miếng bánh lớn” SGK? ông Khuyến cho rằng, NXB Giáo dục Việt Nam là “con đẻ” của Bộ GD&ĐT, vậy việc xuất bản SGK, NXB này có lợi thì bộ cũng có lợi.
Ông Khuyến kể lại câu chuyện khi còn làm Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, năm 2001 Bộ GD&ĐT được phê duyệt ngân sách Nhà nước 11 tỷ đồng để xây dựng bộ chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học và cao đẳng. Nhưng số tiền này chúng tôi “tiêu mãi không hết”, dù chương trình đại học rất đa dạng, khối lượng lớn gấp nhiều lần chương trình phổ thông.
Trong khi đó, ở khu vực giáo dục phổ thông thời điểm năm 2014, số tiền viết SGK trong dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa là 5.000 tỷ đồng. Về phía các Vụ Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, ông Khuyến biết có những cán bộ, chuyên viên vừa là thành viên của hội đồng thẩm định, vừa là người viết sách, thậm chí có người tham gia vào 7,8 quyển sách giáo khoa khác nhau.
“Thế hệ chúng tôi là chuyên viên cao cấp, lương vượt khung nhưng khi nghỉ hưu vẫn không đủ sức mua ôtô. Thế nhưng, nhiều chuyên viên trẻ của Bộ GD&ĐT hiện nay lương cơ bản chỉ 5-6 triệu đồng, vẫn… đi xe bốn bánh rầm rầm. Vậy thì chỉ có cách ngoài làm chuyên môn, họ còn làm thêm nhiều "công việc" khác",ông Khuyến chia sẻ.