Chiều 6/9, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center - ESC).
Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn TP HCM được thành lập để đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch, mục tiêu trở thành trung tâm vi mạch hàng đầu của cả nước.
Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn (ESC) do Khu công nghệ cao TP HCM phối hợp với Tập đoàn Sun Electronics và Synopsis thành lập trên cơ sở hợp nhất trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch (SCDC) thành lập tháng 8/2022 và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC) hoạt động hồi tháng 3. Theo Khu công nghệ cao TP HCM, việc hợp nhất hai tổ chức này nhằm mở rộng hợp tác thành một đơn vị đào tạo vi mạch có quy mô đủ lớn có thể đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế có quy mô lớn hơn trong tương lai. Ngoài ra ESC sẽ là đơn vị tổ chức chương trình ươm tạo vi mạch nhằm hướng đến hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp thiết kế vi mạch trong nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, sự kiện là một dấu ấn quan trọng trong thời điểm Thành phố đang thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Nghị quyết 98), rất cần một động lực mới để phát triển và ESC là một bước khởi đầu rất hứa hẹn. Trong kỷ nguyên hiện nay, mô hình phát hiện kinh tế trí thức và cuộc cách mạng chuyển đổi số đang chiếm ưu thế, đóng vai trò tiên phong. Trong đó, ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn của Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công nghiệp vi mạnh và bán dẫn là ngành công nghiệp sử dụng nguồn tài nguyên là trí tuệ. Vì vậy nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò then chốt, quyết định và Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong nước, đồng thời có những chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực này về Việt Nam.
Việc ra mắt Trung tâm ESC vào thời điểm này và được đặt tại TP.HCM không phải là sự ngẫu nhiên. Trong văn bản gửi đến lãnh đạo UBND TP.HCM vào đầu tháng 8, SHTP nêu rõ: Để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng là điện tử, vi mạch bán dẫn, với trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp trong nước, tập trung vào các khâu có giá trị tăng cao như nghiên cứu - phát triển (R&D), thiết kế thì việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn, có khả năng ứng dụng và sáng tạo công nghệ là rất quan trọng.
Vào năm 2012, UBND TP.HCM chính thức ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến năm 2017, chương trình này đã được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Mới đây, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng nêu rõ ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược vào TP sẽ bao gồm: “Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip… có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỉ đồng trở lên”.
Ngoài ra, trước khi thành lập Trung tâm ESC, để tạo dựng các nền tảng về quản trị, hạ tầng và các nguồn lực phù hợp, Ban quản lý SHTP đã hợp tác với Công ty Synopsys thành lập mô hình Trung tâm thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SCDC) vào năm 2022, trong đó đối tác tài trợ hàng chục triệu USD để phục vụ đào tạo thiết kế vi mạch. Tương tự, ban quản lý tiếp tục hợp tác với Công ty Candence vào năm 2023 với gói hỗ trợ tương tự. Cũng trong năm 2023, SHTP phối hợp với các đối tác thành lập và ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC), nhắm tới hoạt động đào tạo khách hàng doanh nghiệp làm về dịch vụ điện tử.
SCDC và IETC là hai công cụ rất quan trọng, tạo thành hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu công nghệ cao, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của VN là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch. Đây có thể nói là tiền đề để SHTP quyết định hợp nhất hai mô hình nói trên, thành lập nên Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC).
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để phát triển Khu Công nghệ cao Thành phố. Hiện, UBND Thành phố đang hoàn thiện kế hoạch phát triển Khu Công nghệ cao Thành phố giai đoạn 2 và sớm trình Trung ương xin ý kiến. Bên cạnh đó, với điểm tựa là Nghị quyết 98, Thành phố sẽ mạnh dạn thí điểm phát triển khu khoa học công nghệ với nền tảng chính là lĩnh vực chip điện tử, vi mạnh và bán dẫn...
Tại buổi lễ, Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Minh Hà (t/h)