![]() |
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA |
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA – nhận định, Luật Nhà ở 2023 đã xác định các nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, chủ yếu tập trung vào người lao động trong khu vực tư nhân, công nhân, lực lượng vũ trang... Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một chính sách đặc thù dành riêng cho công chức, viên chức – nhóm đối tượng đóng vai trò nòng cốt trong bộ máy hành chính công.
HoREA đề xuất cần bổ sung một chương trình phát triển nhà ở riêng biệt cho công chức, viên chức, tương tự mô hình của Singapore – nơi công chức không chỉ được hỗ trợ vay vốn mua nhà mà còn có thể thuê nhà với mức ưu đãi dựa trên kết quả công tác. Theo ông Châu, đây không chỉ là giải pháp an sinh xã hội mà còn là công cụ quan trọng để giữ chân nhân sự chất lượng cao trong khu vực công, trong bối cảnh không ít cán bộ, công chức có năng lực lựa chọn rời khỏi hệ thống vì mức lương và điều kiện sống không đảm bảo.
Thực tế tại Singapore, chính phủ nước này thực hiện chính sách trả lương cạnh tranh và đảm bảo nhà ở cho công chức – viên chức như một phần của chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài trong khu vực công. Ngược lại, tại Việt Nam, do thiếu các chính sách tương tự, nhiều công chức – viên chức, kể cả cán bộ cấp vụ, đến gần tuổi nghỉ hưu vẫn chưa thể sở hữu được nhà ở xã hội hay nhà ở giá rẻ để ổn định cuộc sống.
Theo HoREA, một phần nguyên nhân đến từ mức thu nhập quá thấp. Đơn cử, công chức loại C – nhóm C3 bậc 1 hiện chỉ nhận khoảng 3,15 triệu đồng/tháng; nhóm C2 bậc 1 là 3,51 triệu đồng/tháng – mức lương khó có thể tiếp cận thị trường nhà ở hiện nay.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nhà ở công vụ cũng là một vấn đề đáng quan tâm, nhất là sau quá trình sáp nhập cấp tỉnh, huyện, xã. Việc mở rộng địa bàn hành chính khiến nhu cầu nhà công vụ tăng cao, nhưng nguồn cung hiện tại chưa đáp ứng kịp.
![]() |
Mô hình của Singapore: công chức không chỉ được hỗ trợ vay vốn mua nhà mà còn có thể thuê nhà với mức ưu đãi dựa trên kết quả công tác. Nguồn ảnh: Getty Images |
HoREA cũng đánh giá cao mô hình phát triển nhà ở xã hội tại Singapore – quốc gia có giá bất động sản thuộc hàng cao nhất thế giới. Sự thành công của Singapore đến từ tầm nhìn dài hạn và cơ chế chính sách chặt chẽ, với việc thành lập Ủy ban Phát triển Nhà ở (HDB) – cơ quan duy nhất quản lý nhà ở xã hội. Kể từ cuối thập niên 1960, HDB đã triển khai quy hoạch đồng bộ các khu dân cư với đầy đủ hạ tầng như trường học, cửa hàng, khu ẩm thực, sân chơi... giúp tạo nên những cộng đồng sống bền vững.
Đặc biệt, Chính phủ Singapore cũng áp dụng các chính sách hiệu quả về quỹ đất và nhân lực thi công để giảm thiểu chi phí, mang lại nhà ở chất lượng cao với giá cả hợp lý. Hiện nay, gần 80% người dân Singapore sống trong nhà ở xã hội, trong đó 90% sở hữu căn hộ thông qua hợp đồng thuê 99 năm – một minh chứng cho hiệu quả của chính sách đồng bộ, có định hướng rõ ràng.