![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Nguồn ảnh TTO |
Trong phiên họp ngày 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật quan trọng gồm Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công..
Những điều chỉnh này không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu đối với nhiều loại hàng hóa phục vụ đổi mới sáng tạo.
Mở rộng miễn thuế nhập khẩu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế – xã hội có nhiều thay đổi, Chính phủ đã khẩn trương rà soát và đánh giá hiệu quả thực thi của các luật, từ đó xác định 7 luật cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy chính quyền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách pháp lý linh hoạt, sát thực tế.
Trong số các nội dung sửa đổi đáng chú ý, Chính phủ đề xuất mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa phục vụ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể, danh mục miễn thuế bao gồm:
Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hàng hóa nhập khẩu để hình thành tài sản cố định cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực này.
Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu cho hoạt động sản xuất của các tổ chức khoa học – công nghệ, tổ chức đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện chưa sản xuất được trong nước, dùng trực tiếp cho sản xuất sản phẩm công nghệ số.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh, đồng tình với chủ trương mở rộng miễn thuế nhằm thể hiện rõ chính sách ưu đãi vượt trội đối với lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc miễn thuế với tất cả hàng hóa, kể cả loại trong nước đã sản xuất được, có thể làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa và ảnh hưởng đến chính sách ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trên thực tế nhiều loại thiết bị, vật tư chuyên dùng cho nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước hiện không có hoặc chất lượng chưa đạt yêu cầu. Do đó, nếu giữ tiêu chí "trong nước không sản xuất được" mới được miễn thuế thì sẽ vô tình cản trở quá trình phát triển công nghệ trong nước. Ông khẳng định, chính sách miễn thuế là cần thiết, dù "Bộ Tài chính cũng xót lắm", nhưng nếu không có chính sách này thì khó thúc đẩy được đổi mới sáng tạo.
Sửa đổi 7 luật để đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu tư công
Ngoài Luật Thuế xuất nhập khẩu, 6 luật còn lại cũng được Chính phủ đề xuất sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn triển khai và nhu cầu phát triển của các địa phương và doanh nghiệp.
Đối với Luật Đấu thầu, phạm vi áp dụng với doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được điều chỉnh: chỉ áp dụng quy định đấu thầu đối với các dự án sử dụng trên 50% vốn ngân sách trong tổng mức đầu tư. Các dự án sử dụng dưới 50% vốn ngân sách sẽ do doanh nghiệp tự quyết định lựa chọn nhà thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Với Luật PPP, Chính phủ đề xuất mở rộng các trường hợp được chỉ định hoặc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Những nhà đầu tư đề xuất dự án sử dụng công nghệ chiến lược, có cam kết tài chính hoặc tham gia các dự án khoa học – công nghệ sẽ thuộc diện này. Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương sẽ được trao quyền chủ động quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách.