Bài liên quan |
Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất thành phố Nha Trang |
Điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của huyện Hoài Đức đến năm 2030 |
Nghị quyết khẳng định, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, với tư cách là người được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét và quyết định nội dung điều chỉnh nói trên tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, việc điều chỉnh quy hoạch đã được đặt nền móng từ Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, trong đó phê duyệt nhiệm vụ lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
![]() |
Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 |
Theo tinh thần chỉ đạo, việc điều chỉnh quy hoạch phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc lớn, phù hợp với tình hình mới và các chủ trương, định hướng phát triển do Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra. Đặc biệt, việc điều chỉnh cần phản ánh được các chính sách đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cũng phải đồng bộ với quá trình sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị hành chính trong toàn quốc.
Nội dung điều chỉnh tập trung vào việc điều tra, thu thập đầy đủ và toàn diện các dữ liệu, tài liệu liên quan đến hiện trạng và tiềm năng đất đai, bao gồm cả điều kiện tự nhiên, nguồn lực sẵn có, các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp, cũng như tình hình sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực. Song song đó là quá trình phân tích và đánh giá chất lượng đất, tiềm năng phát triển, mức độ ô nhiễm và tình trạng thoái hóa đất trên phạm vi cả nước và từng vùng kinh tế - xã hội cụ thể.
Công tác rà soát và cập nhật cũng mở rộng sang các yếu tố bối cảnh trong nước và quốc tế, làm cơ sở để tổng hợp nhu cầu sử dụng đất và xác định các chỉ tiêu sử dụng cho từng nhóm đất. Đặc biệt, nhóm đất nông nghiệp sẽ được phân tích kỹ lưỡng, nhằm xác định diện tích đất trồng lúa cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, kể cả nhu cầu xuất khẩu; đồng thời khoanh định các vùng chuyên canh lúa, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đối với đất lâm nghiệp, việc xác định diện tích rừng sẽ gắn với mục tiêu nâng cao tỷ lệ che phủ, bảo vệ môi trường, và tăng cường khả năng phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, quy hoạch điều chỉnh sẽ bao gồm nội dung đánh giá môi trường chiến lược – một bước quan trọng để đảm bảo tính bền vững và gắn kết chặt chẽ giữa sử dụng đất và bảo vệ môi trường sống. Cùng với đó, việc xây dựng hệ thống dữ liệu về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được triển khai, nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước hiệu quả, hiện đại, từng bước tiến tới chuyển đổi số trong công tác quy hoạch.
Với định hướng chiến lược và tiếp cận toàn diện, việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia lần này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, mà còn là tiền đề để bảo đảm quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai – một trong những tài nguyên quý giá nhất, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.