Chủ tịch VINASME: "Đẩy mạnh tuyển dụng, hỗ trợ đào tạo nghề góp phần khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh"

11:05 18/05/2022

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, sáng ngày 18/5, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp các bên tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ". Tại Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME đã đánh giá những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trước sự thiếu hụt về nguồn lao động trong nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ". Đến dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV Việt Nam); ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; bà Bùi Thị Kim Loan - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Về phía đại diện Dự án USAID LinkSME có bà Nguyễn Thị Bích Điệp, Quản lý Hợp phần Cải thiện môi trường kinh doanh, Dự án USAID LinkSME.

TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME phát biểu tại Hội thảo
TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Thân đã bày tỏ niềm vui mừng khi Hội thảo được diễn ra trong bối cảnh đặc biệt ý nghĩa khi cả nước đang hân hoan đón chào ngày sinh nhật lần thứ 132 của Bác, cùng với đó là sự kiện Việt Nam đăng cai ngày hội thể thao SEAGAMES lần thứ 31 với sự tham gia của hàng ngàn vận động viên và hàng triệu khán giả trong khu vực và thế giới. Ông cũng cảm thấy vui mừng khi nền kinh tế của Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Tính riêng quý I năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào kết quả hoạt động tốt của các lĩnh vực sản xuất và sự phục hồi từng bước của ngành du lịch.

Dẫu vậy, ông Thân đánh giá rằng: "Mức tăng trưởng này vẫn được coi là thấp hơn so với kỳ vọng của chúng ta là 5,8%, vì dịch bệnh kéo dài 3 năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của doanh nghiệp và người lao động. Trong tổng số hơn 16,9 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 0,9 triệu người bị mất việc, 5,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh và 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là hai vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các vùng khác. Số lao động ở 2 vùng này cho biết công việc của họ bị ảnh hưởng do đại dịch chiếm lần lượt là 25,7% và 23,9%; cao hơn đáng kể so với vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tương ứng là 18,8% và 14,4%. Thành thị vẫn là khu vực có số lao động chịu thiệt hại nhiều hơn nông thôn. Có 25,8% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 20,5%. Đa phần những người có công việc bị tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đều có độ tuổi khá trẻ, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,8%".

Theo ông Thân, đối với doanh nghiệp, đại dịch Covid-19 cũng gây ra tình trạng thiếu hụt người lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố. Riêng trong quý 1/2022, tỷ lệ thiếu hụt lao động đã cao hơn 2-3% so với những năm trước và chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài ngày như du lịch và giáo dục...

"Chính vì thiếu người làm nên nhiều doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh tuyển dụng, thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề và điều này sẽ góp phần khôi phục sản xuất – kinh doanh", ông Thân chia sẻ. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho thấy, đến 75% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông và lao động không yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ. "Tuy nhiên, về mặt lâu dài thì chúng tôi cho rằng, việc tuyển dụng lao động không có tay nghề sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thậm chí còn có thể gây mất an toàn lao động và thiệt hại cho cả hai bên", ông Thân nhận định. 

"Chính vì thế, ngay từ đầu tháng 7 năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có hạng mục về hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động", ông Thân thông tin lại. 

Chính sách này được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đón nhận hết sức tích cực, và cho đến nay đã gần 10 tháng triển khai, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội DNNVV Việt Nam và BHXHVN đã chủ động, tích cực phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kết nỗi giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng phương án tổ chức đào tạo kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ có giá trị pháp lý cho người lao động.

Ông Thân đánh giá thêm rằng: "Mặc dù quá trình triển khai chính sách nêu trên tương đối thuận lợi, nhưng thực tế đã phát sinh một số vấn đề băn khoăn của doanh nghiệp, khiến cho việc triển khai chưa được như mong muốn. Có ý kiến cho rằng, sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang tập trung khôi phục sản xuất - kinh doanh mà quên đi việc phải tính toán các phương án cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động, vì vậy họ chưa để tâm đến chính sách hỗ trợ của nhà nước. Mặt khác, cũng có ý kiến bày tỏ quan ngại về việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với hoạt động đào tạo nghề của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến phản ánh rằng nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về các tiêu chí được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như một số người thì hiểu rằng, doanh nghiệp có người lao động đóng Bảo hiểm thất nghiệp đủ ít nhất 12 tháng mới có thể đăng ký nhận hỗ trợ, nhưng có người lại hiểu rằng doanh nghiệp đóng Bảo hiểm thất nghiệp đủ ít nhất 12 tháng là đã đạt tiêu chí. Thông qua những ý kiến trên, chúng tôi thấy rõ sự khác biệt về nhận thức giữa các doanh nghiệp, dẫn đến không chỉ doanh nghiệp không dám đăng ký để được thụ hưởng hỗ trợ của nhà nước mà vô hình chung còn gây thiệt thòi cho người lao động".

"Với trách nhiệm là các cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau dịch Covid-19, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp và Bảo hiểm Xã hội VN đã tổ chức hội thảo ngày hôm nay nhằm truyền thông đến các doanh nghiệp về cách thức tham gia và tiếp nhận hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước theo Nghị quyết 68, các thủ tục có liên quan và một số kết quả, kinh nghiệm thực tế đã triển khai. Bên cạnh đó, VINASME cũng sẽ trao đổi với các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị để làm sao có thể hỗ trợ càng sớm càng tốt cho doanh nghiệp", ông Thân cho biết.

phần đối thoại với doanh nghiệp:
Phiên đối thoại với doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Thân và ông Trương Anh Dũng chủ trì.

Qua phiên thảo luận, trao đổi ý kiến giữa các đại diện trường đào tạo nghề, đại diện doanh nghiệp với đại diện VINASME và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, thay mặt Lãnh đạo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân nhận định: "Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và BHXH Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu trong Hội thảo ngày hôm nay và chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn ngay cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình đào tạo nghề. Đối với các doanh nghiệp đã đủ điều kiện, các cơ quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng, hiệu quả. Còn đối với các doanh nghiệp gần đủ điều kiện sẽ được các cơ quan hướng dẫn cách thức để đạt điều kiện nhận hỗ trợ".

Trinh - Linh

Ảnh: Hồng Hạnh