![]() |
Ngày 21/5/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) phối hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK Vietnam) đã tổ chức buổi tọa đàm đặc biệt với sự hiện diện của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHLB Đức, ông Nguyễn Đắc Thành. Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức và 30 năm thành lập GBA.
Buổi tọa đàm GBA Business Roundtable có sự tham dự của nhiều tên tuổi lớn như Adidas, Mercedes-Benz, BASF, Bayer, Allianz Partners, NFQ, Roedl & Partner… và đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao từ GBA, AHK và Tổng Lãnh sự quán Đức.
![]() |
Đại sứ Việt Nam tại Đức, ông Nguyễn Đắc Thành |
Phát biểu khai mạc, ông Martin Koerner – Phó Chủ tịch GBA, nhấn mạnh: “Đây là cơ hội quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp Đức đối thoại trực tiếp với tân Đại sứ, cùng chia sẻ những kỳ vọng, đề xuất và giải pháp nhằm mở rộng hợp tác trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.”
Các doanh nghiệp nêu bật vai trò của môi trường pháp lý ổn định, thủ tục hành chính minh bạch, cũng như nhu cầu tăng cường cơ chế đào tạo và trao đổi nhân lực quốc tế để phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đáp lại các chia sẻ, Đại sứ Nguyễn Đắc Thành khẳng định Chính phủ Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các cải cách hành chính, trong đó có việc tinh giản bộ máy quản lý và đơn giản hóa quy trình cấp visa, giấy phép lao động. Ông nhấn mạnh: “Đây là một phần trong chiến lược dài hạn để xây dựng một hệ thống đào tạo cởi mở, công bằng và tích hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.”
Vấn đề trao đổi nhân lực giữa các công ty con trong tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là việc luân chuyển chuyên gia và kỹ thuật viên, được doanh nghiệp Adidas đưa ra như một ví dụ điển hình. Việc này đang gặp rào cản từ quy định visa, làm hạn chế tính linh hoạt và hiệu quả trong quản lý nhân sự toàn cầu.
Một trong những điểm sáng của tọa đàm là phần trình bày của STADA Pymepharco, khi doanh nghiệp này giới thiệu hai nhà máy đạt chuẩn EU-GMP tại Tuy Hòa – bước tiến quan trọng trong việc thâm nhập thị trường dược phẩm Đức và châu Âu. Đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng hợp tác đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia.
Đại diện Puma cũng chia sẻ mong muốn Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách ổn định và định hướng phát triển dài hạn – yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp nước ngoài vững tin mở rộng đầu tư.
Đại sứ Nguyễn Đắc Thành một lần nữa tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc duy trì hội nhập sâu rộng, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm thích ứng với biến động toàn cầu.
Ngoài các vấn đề ngắn hạn, buổi tọa đàm cũng hướng tới những chiến lược dài hạn, trong đó trọng tâm là thúc đẩy ngoại giao kinh tế – một công cụ hữu hiệu giúp nâng tầm mối quan hệ chiến lược Việt – Đức.
Đại sứ Thành cho biết: “SMEs Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận sâu rộng thị trường Đức và EU, nếu được hỗ trợ đúng cách trong chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và đổi mới sáng tạo.”
Đồng quan điểm, ông Trần Duy Phong – đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ – đề xuất thiết lập các nền tảng kết nối chuyên sâu giữa SMEs hai nước trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, công nghiệp 4.0, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.
Sự kiện lần này không chỉ mang ý nghĩa chiến lược trong việc tăng cường gắn kết giữa các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam và Chính phủ Việt Nam, mà còn là dịp để nhìn lại chặng đường 50 năm đầy dấu ấn trong quan hệ ngoại giao song phương. Cùng với đó, 30 năm hình thành và phát triển của GBA đã tạo ra một nền tảng hợp tác vững chắc, nơi tiếng nói doanh nghiệp được lắng nghe và chuyển hóa thành chính sách thực tiễn.
![]() |
Trong vai trò cầu nối hiệu quả, GBA đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào quá trình cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững và gắn kết doanh nghiệp Đức với các mục tiêu chiến lược của Việt Nam trong thời đại hội nhập toàn cầu.