Chủ động thích ứng với phòng vệ thương mại để phục hồi kinh tế

17:11 22/11/2021

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa để hạn chế tác động tiêu cực của PVTM nước ngoài, đồng thời sử dụng hiệu quả PVTM như công cụ đắc lực để bảo vệ sản xuất và thị trường của mình, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, phục hồi sau đợt dịch thứ tư đầy khắc nghiệt.

Áp lực lớn từ phòng vệ thương mại nước ngoài

Thời gian qua, song song những tác động tiêu cực của yếu tố dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải chịu sự ảnh hưởng của các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) từ nước ngoài. Cụ thể, tính tới năm 2020 đã có 208 vụ kiện PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang  - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: Sự gia tăng của các vụ kiện PVTM tỉ lệ thuận với lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, thị trường xuất khẩu càng mở rộng thì doanh nghiệp Việt càng phải đối đầu với nhiều thách thức.

Theo bà Trang, thực tế doanh nghiệp Việt biết đến PVTM là do bị kiện ở nước ngoài. Vụ kiện đầu tiên từ năm 1994. Trước năm 2002 chưa có nhiều thông tin về PVTM, phải đến khi Hoa Kỳ kiện cá tra – basa Việt Nam, PVTM mới bắt đầu được quan tâm. Bà Trang phân tích: Sự bất lợi của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt nói riêng trong nhiều vụ kiện PVTM là bị các thị trường lớn dùng biện pháp chống bán phá giá cho nền kinh tế thị trường. Theo đó, họ không xác định chống bán phá giá trên chi phí sản xuất của doanh nghiệp mà sử dụng giá sản xuất của quốc gia sở tại. 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang  - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng chỉ ra những điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt khi tham gia các vụ kiện PVTM trong thời gian qua.

Thứ nhất, doanh nghiệp chưa chuẩn bị đầy đủ chi tiết về kỹ thuật, tài liệu, hồ sơ trước khi bị kiện nên không cung cấp được cho cơ quan điều tra. Bởi theo quy định, hồ sơ phải bao gồm số liệu thống kê trong tối thiểu là 1 – 3 năm.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị tiền cho vụ kiện chống bán phá giá. Các vụ kiện PVTM thường rất tốn kém, bao gồm nhiều chi phí như: Thuê Luật sư, phiên dịch, các thủ tục theo nước sở tại,…

Tiếp đó, nhiều doanh nghiệp chưa nắm được quy trình điều tra của nước sở tại. Mỗi quốc gia lại có quy trình, quy định và điều tra khác nhau, bất đồng ngôn ngữ cũng là rào cản khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn khi tranh kiện.

Bất lợi cuối cùng là nhiều doanh nghiệp chưa có quỹ dự phòng nên không thể kiên trì theo đuổi vụ kiện. Thực tế phần lớn vụ kiện khởi xướng từ doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Sống chung với lũ

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp nói riêng và các ngành sản xuất Việt Nam nói chung đang gặp phải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương) đã thành lập Hội đồng tư vấn về PVTM.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang phân tích: Từ góc độ doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp Việt xuất khẩu ra nước ngoài mà bị kiện thì doanh nghiệp buộc phải kháng kiện, đó là ứng phó. Nếu doanh nghiệp trong nước áp dụng PVTM thì là sử dụng công cụ. Doanh nghiệp phải hiểu để ứng xử ở vị thế khác nhau. 

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng với phòng vệ thương mại để phục hồi kinh tế
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng với phòng vệ thương mại để phục hồi kinh tế.

 “Thời điểm này doanh nghiệp Việt cần chấp nhận sống chung với lũ, phải tự bảo vệ mình, phải tham gia vụ kiện, trình ra bằng chứng chứng minh cho cơ quan điều tra. Doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị rất cẩn thận để ứng phó với PVTM.” – Bà Trang nhấn mạnh.

Cũng theo bà Trang, hiện nay đang có càng nhiều hơn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã biết và quen thuộc, thành thục trong ứng phó với vụ kiện PVTM của nước ngoài. Truyền thông đã giúp hiểu biết của doanh nghiệp về PVTM ở nước ngoài được nâng lên rất nhiều.

Cục PVTM đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong các vụ kiện PVTM. Đặc biệt, hệ thống pháp luật, Nghị định, đề án,… về PVTM đã hoàn thiện hơn.

Thực tế đã có một số kết quả tích cực như có tới 20-22% các vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu của Việt Nam nhưng không đi đến kết quả áp dụng biện pháp PVTM. Bên cạnh đó, gần đây doanh nghiệp vốn nội đã chú ý hơn đến việc sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

Đặt vào bức tranh chung, trong thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa để hạn chế tác động tiêu cực của PVTM nước ngoài, đồng thời sử dụng hiệu quả PVTM như công cụ đắc lực để bảo vệ sản xuất và thị trường của mình. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, phục hồi sau đợt dịch thứ tư đầy khắc nghiệt.

Hà Linh