Chống phá rừng và những vấn đề đặt ra ở Đắk Lắk: Nhìn từ các doanh nghiệp Lâm nghiệp

15:58 24/12/2020

Nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng luôn là vấn đề nóng bỏng ở các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk.

Ngày 2/12/2020, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố và thực hiện lệnh bắt tạm giam, đồng thời khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Nguyễn Hồng Mạnh - nguyên Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Cùng bị bắt tạm giam với ông Nguyễn Hồng Mạnh còn có 3 người khác đều là cán bộ quản lý của công ty, gồm các ông: Phan Văn Đức - Phó giám đốc phụ trách công tác quản lý, bảo vệ rừng; Nguyễn Văn Vũ - Trưởng phòng kỹ thuật quản lý, bảo vệ rừng; Phạm Văn Kỳ - Phân trưởng phân trường 3. Việc bắt tạm giam 4 cán bộ, lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar là để phục vụ cho công tác điều tra nhằm làm rõ hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" do liên quan đến các vụ phá rừng với quy mô lớn tại một số xã thuộc huyện Ea Kar, do Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Ea Kar quản lý. Như vậy, ông Nguyễn Hồng Mạnh là người đứng đầu một công ty lâm nghiệp nhà nước đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị khởi tố vì để mất rừng. Vậy kết cục không mong muốn đã xảy ra ở đơn vị nơi ông Nguyễn Hồng Mạnh vừa là Chủ tịch kiêm Giám đốc bắt nguồn từ những sự việc như thế nào? 

Một góc hiện trường gỗ rừng của Công ty LN Ea Kar bị khai thác trái phép tại tiểu khu 701.
Một góc hiện trường gỗ rừng của Công ty LN Ea Kar bị khai thác trái phép tại tiểu khu 701..

Thực tế cho thấy, tình trạng chặt phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép đã diễn ra nhiều năm trên diện tích rừng và đất rừng đã được Nhà nước giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý, bảo vệ. Cụ thể là từ năm 2017 đến nay, mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quan tâm, nhưng hiệu quả đạt được rất thấp. Nhiều cánh rừng tự nhiên của công ty quản lý nằm trên địa bàn các xã Cư Yang, Cư Ea Lang, Cư Bông, Cư Prông, Ea Ô và Ea Pal… của huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã bị khai thác trắng để lấy đất trồng hoa màu và làm nhà ở. Đi sâu vào bên trong, điều dễ nhận thấy là nhiều cây rừng có hàng chục đến hàng trăm năm tuổi, với đường kính từ 40 cm đến gần 1 mét đã bị lâm tặc chặt hạ để lấy gỗ. Tại tiểu khu 703 thuộc địa bàn xã Cư Bông, nơi được coi là khu vực còn nhiều gỗ nhất ở phía Nam huyện Ea Kar cũng đã có hàng chục kilômet đường do lâm tặc ngang nhiên mở ra để khai thác và vận chuyển gỗ. Tại đây, nhiều cây gỗ, như: xoay, nghiến, bột, bằng lăng v.v… dài hàng chục mét đã bị lâm tặc đốn hạ bằng cưa máy, xẻ ra thành phách và đã lấy phần ruột đưa ra khỏi rừng. Phần bỏ lại trong rừng chỉ còn là ngọn cây và lá vẫn còn tươi cùng với phần bên ngoài thân gỗ.

Do tình trạng khai thác trái phép gỗ rừng tự nhiên do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý đã diễn ra nhiều năm, nên đến cuối năm 2017, diện tích rừng ở các xã như: Cư Yang, Cư Ea Lang, Cư Prông, Ea Ô và Ea Pal còn lại không đáng kể. Toàn bộ diện tích rừng sau khi bị chặt phá đã bị người dân lấn chiếm trái phép để lấy sản xuất. Chỉ còn xã Cư Bông là địa phương vẫn còn rừng. Thế nhưng tại thời điểm đó, rừng ở các tiểu khu 701, 702, 703, 704 của xã cũng đã bị lâm tặc vào khai thác trái phép với quy mô lớn.

Riêng 9 tháng của năm 2017, trong số 23 vụ vận chuyển lâm sản trái phép bị bắt giữ với số lượng gỗ, củi thu được tại địa bàn xã Cư Bông và xã Cư Yang, huyện Ea Kar gần 77 m3 thì chỉ có 1 vụ, với 3,9 m3 gỗ xẻ thuộc nhóm 5 được phát hiện là có sự phối hợp giữa công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar với cơ quan Hạt Kiểm lâm huyện. Điều này cho thấy, công tác phối hợp giữa đơn vị chủ rừng với các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Ea Kar để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có nhiều vấn đề cần phải được xem xét, xử lý, chấn chỉnh. Ông Phan Quốc Đương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép bắt đầu diễn ra từ hồi Nhà nước có chủ trương cho khai thác rừng tự nhiên cho đến tận bây giờ. Từ đó đến nay, mặc dù địa phương cũng đã thành lập các đoàn đi khảo sát, phát hiện, rồi về báo cáo với cơ quan cấp trên và cơ quan chức năng có thầm quyền nhưng tôi nghĩ rằng chắc có lẽ là chúng ta xem thường vấn đề khai thác vận chuyển lâm sản trái phép trong thời điểm đó. Cho đến thời điểm Trung ương có Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý rừng bền vững, rồi UBND tỉnh có Chỉ thị... thì chúng ta mới vào cuộc mới phát hiện và mới thấy nóng lên thôi”

Trước thực trạng rừng bị chặt phá, đất rừng bị lấn chiếm trái phép ngày càng gia tăng, cấp ủy và chính quyền huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn giải pháp, đồng thời đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, các cơ quan liên quan và các địa phương có rừng tăng cường thực hiện triệt để các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên trong suốt thời gian từ năm 2017 đến cuối năm 2019, tình trạng chặt phá rừng đã được Nhà nước giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý, bảo vệ vẫn diễn ra với quy mô lớn.

Theo kết quả điều tra, ngày 18/8/2019, qua công tác nắm tình hình, một tổ công tác đặc biệt cuả Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành vây bắt quả tang một nhóm “lâm tặc” đang có hành vi chặt phá 6 cây gỗ rừng loại lớn tại địa bàn thôn 15, xã Cư Yang, huyện Ea Kar. Địa bàn này nằm trong sự quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar.

Từ vụ việc này, mở rộng điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk còn phát hiện thêm 7 điểm tập kết gỗ lậu với quy mô lớn nằm rải rác dọc trên địa bàn một số xã thuộc lâm phần quản lý của Phân trường 1, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Qua công tác kiểm đếm, số gỗ được phát hiện hơm 300m3, ước tổng giá trị thiệt hại lên đến hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quá trình mở rộng chuyên án, khám nghiệm hiện trường tại địa bàn các xã Cư Bông, Cư Yang, Cư Brông và Cư Elang, lực lượng Công an còn phát hiện thêm nhiều bãi tập kết gỗ lậu khác với trữ lượng lên đến hơn 28.000m3. Như vậy, tổng số gỗ bị khai thác trái phép trong lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý bị lực lượng Công an tỉnh phát hiện lên đến 29.000m3, có giá trị thiệt hại ước tính lên đến 29 tỷ đồng.

Theo Cơ quan điều tra, các ông Nguyễn Hồng Mạnh, Phan Văn Đức, Nguyễn Văn Vũ và Phạm Văn Kỳ chưa làm tròn chức trách nhiệm vụ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ rừng; thiếu kiểm tra, giám sát trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên đã để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, mua bán đất rừng trái phép rất nghiêm trọng trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, từ những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, một lần nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được Nhà nước giao cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại trở thành vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.   

Thực tế là đã nhiều năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng ở các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các công ty đều rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” trước nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng và vận chuyển lâm sản trái phép.

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất rừng, mất đất ở các công ty lâm nghiệp có thể nhận thấy là do diện tích rừng mà Nhà nước giao cho công ty quá lớn nhưng lực lượng trực làm công tác quản lý, bảo vệ rừng của công ty lại quá mỏng, trong khi kinh phí nhà nước cấp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng năm sau thường ít hơn năm trước. Bên cạnh đó, lâm tặc ngày càng tinh vi, manh động, luôn chủ động đối phó với với lực lượng chức năng, thế nhưng các công ty hầu như không có công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm. Ngay cả những chế tài để các công ty lâm nghiệp thực hiện thẩm quyền quản lý, bảo vệ rừng được Nhà nước giao cũng chưa phù hợp với tình hình thực tế. Vì thế, áp lực giữ rừng, giữ đất luôn đè nặng lên chủ rừng, cụ thể là những người làm việc tại các công ty lâm nghiệp, nhất là những người được nhà trước trao quyền lãnh đạo.

Cán bộ trực tiếp tuần tra, bảo vệ rừng chỉ với... hai bàn tay không nên không dễ bắt lâm tặc.
Cán bộ trực tiếp tuần tra, bảo vệ rừng chỉ với... hai bàn tay không nên không dễ bắt lâm tặc..

Ông Phan Quốc Tấn, Phó tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Công tác QLBV rừng chúng tôi luôn thực hiện thường xuyên, nhưng cái khó khăn nhất đó là tình trạng người dân lấn chiếm để lấy đất canh tác mà chúng tôi thì quyền hạn chỉ ở mức độ nào đó. Thực tế là chủ rừng nhưng quyền hạn của chúng tôi có hạn. Vậy nên để thực hiện triệt để công tác QLBV rừng thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị chủ rừng và địa phương cùng với các ngành, các cấp, nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế”

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk:“Do chức năng, quyền hạn của chủ rừng còn hạn chế, không thể đề nghị đối tượng vi phạm cung cấp được thông tin chính xác để lực lượng quản lý bảo vệ rừng lập được hồ sơ ban đầu. Chính vì vậy khi về báo cáo, bàn giao hồ sơ cho cơ quan chức năng thì cơ quan chức năng lại không thể điều tra, xác minh được đối tượng vi phạm. Đây là vấn đề rất bất cập đã diễn ra nhiều năm rồi mà chúng tôi không làm gì hơn được”

Còn ông Nguyễn Văn Đính, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh, tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm: Mặc dù đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng như kiểm lâm, rồi lực lượng của chính quyền các xã để thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng thế nhưng hiệu quả thì vẫn không cao được. Một là về con người, lực lượng quá mỏng và công cụ hỗ trợ cho những người trực tiếp làm công tác quản lý, bảo vệ rừng không có. Hai là lực lượng quản lý bảo vệ rừng của doanh nghiệp có chỉ có khẩu súng bắn đạn cao su hoặc là đạn hơi cay, hoặc là bình xịt hơi cay trong tay, còn đối phương thì có thể là vác dao chém luôn thì thực sự đây là vấn đề rất nan giải, nhiều khi anh em phải rút lui”

Rút lui trước sự liều lĩnh của lâm tặc để bảo toàn tính mạng của người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng; rút lui vì không thể đối đầu với người phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép chính là người dân, mặc dù những hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép là vi phạm pháp luật. Sự rút lui của “chủ rừng” trước sự manh động của kẻ phá rừng, coi thường pháp luật gần như là sự bất lực trong việc giữ rừng, giữ đất đã diễn ra nhiều năm qua ở nhiều công ty lâm nghiệp, trong đó có các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trong khi đó, những nguyên dẫn đến sự bất lực về giữ rừng, giữ đất ở các công ty lâm nghiệp thì hầu như đến nay vẫn chưa được ai tháo gỡ. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các công ty lâm nghiệp đạt được hiệu quả?

Ông Lê Đình Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Rừng vẫn mất là phải nói đến sự phối hợp giữ chủ rừng là công ty lâm nghiệp rồi các lực lượng ở xã. Thực tình thì vì đời sống, miếng cơm manh áo cả. Do đó tôi rất tâm đắc câu nói của đồng chí Phạm Minh Tấn - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk là phải tăng cường lực lượng ở tỉnh và ở huyện vào. Còn ở xã thì rất khó cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Về vai trò thì cấp xã là rất quan trọng. Rừng ở đâu thì chính quyền địa phương đều biết hết. Còn phía chủ rừng thì có thể bị nhờn hoặc vì họ sợ vì, trong khi diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ rất rộng nằm trên địa bàn 5 xã, trong khi lực lượng của họ thì rất mỏng...”

Sau khi chuyển đổi, sắp xếp lại hoạt động, nhiều doanh nghiệp lâm nghiệp ở Đắk Lắk vẫn chưa có biện pháp gì hữu hiệu để quản lý, bảo vệ rừng.
Sau khi chuyển đổi, sắp xếp lại hoạt động, nhiều doanh nghiệp lâm nghiệp ở Đắk Lắk vẫn chưa có biện pháp gì hữu hiệu để quản lý, bảo vệ rừng..

Thực tế cho thấy là sau 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014 của Chính phủ, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 25 công ty nông, lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt các phương án sắp xếp, chuyển đổi. Trong đó, 6/25 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp giữ nguyên mô hình 100% vốn nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực công ích về quản lý bảo vệ và phát triển rừng; 19/25 công ty đã và đang thực hiện công tác sắp xếp, chuyển đổi. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi sang thành công ty khác thì hoạt động của phần lớn các công ty cũng không khác gì so với trước đây.

Ông Nguyễn Văn Quyến, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk cho biết: “Sau chuyển đổi, công ty vẫn là một doanh nghiệp nên chỉ có quyền phát hiện, ngăn chặn và báo cáo các vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép cho cơ quan chức năng, như: UBND xã, Hạt kiểm lâm để xử lý về mặt hành chính, nhưng từ khi phát hiện, báo cáo và đến khi lực lượng UBND xã hay công an, cũng như của hạt kiểm lâm vào đến hiện trường thì đối tượng bị phát hiện cũng đã tẩu thoát. Chúng tôi rất muốn giữ người, bắt người vị phạm nhưng không có thẩm quyền”.

Như vậy câu chuyện giữ rừng ở các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trước và sau khi chuyển đổi, sắp xếp, tổ chức lại hoạt động, đến nay cũng vẫn còn nhiều bất cập. Việc phát hiện và xác định đúng đối tượng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép đã khó khăn thì việc bắt giữ đối tượng trong rừng sâu, núi thẳm đưa về bàn giao cho chính quyền hay Hạt Kiểm lâm xử lý lại vẫn là điều không thể thực hiện được do không có chế tài được pháp luật quy định. Đây vẫn là một trong những nguyên nhân dẫn đến rừng đã được Nhà nước giao cho các công ty quản lý, bảo vệ nhưng rừng vẫn mất, đất rừng vẫn bị lấn chiếm trái phép và những người đứng đầu đơn vị vẫn có thể bị xử lý trách nhiệm rất nặng nề.

Thiết nghĩ, để công tác quản lý bảo vệ rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt được hiệu quả thiết thực thì những giải pháp, biện pháp đưa ra không thể là những lời nói suông hay rất chung chung mà cần phải được cụ thể hóa bằng những chương trình hành động của các cấp ủy Đảng và kế hoạch thường xuyên của các cấp chính quyền, của từng đơn vị chủ rừng, từng đơn vị liên quan, như: Công an, Kiểm lâm. Cùng với những vấn đề đó thì những khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở các đơn vị chủ rừng cũng phải sớm được Nhà nước quan tâm tháo gỡ nếu không thì rừng đã có chủ, nhưng chủ rừng vẫn bất lực thì rừng vẫn mất, đất rừng vẫn bị lấn chiếm trái phép.

Cũng cần phải nói thêm rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, mới đây, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; xây dựng kế hoạch kiểm kê lại rừng và đất lâm nghiệp; kiến nghị với Trung ương để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách; hoàn chỉnh quy định về xử lý các chủ rừng để xảy ra mất rừng; tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp; điều tra, xử lý các vụ án vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng; tăng cường xây dựng lực lượng, phương tiện cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng; đánh giá lại các mô hình quản lý bảo vệ rừng để điều chỉnh, khắc phục những hạn chế như đã xảy ra trong thời gian qua./.

Nguyễn Hiếu