Chính sách neo tỷ giá có những hạn chế nhất định

10:39 22/10/2022

Bình luận về hệ lụy của việc tăng lãi suất, trượt tỷ giá và cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đối với vấn đề này, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng, về bản chất, Việt Nam neo tỷ giá vào USD, và chính sách này bộc lộ nhược điểm.

Ảnh minh họa

Thời gian qua, USD lên giá rất mạnh, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục. VND neo vào USD nên mất giá khá nhanh so với USD, từ đầu năm đến nay khoảng 7%.

Có thể nói việc theo đuổi chính sách neo tỷ giá có những hạn chế nhất định. Đơn cử Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo các cam kết về giá trị đồng nội tệ. Nếu VND trượt giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước phải bán ngoại tệ để giữ ổn định tỷ giá; nếu bán ngoại tệ cũng không giữ được thì phải tăng lãi suất.

Ông Thế Anh nhận xét, việc neo tỷ giá cũng khiến cho Việt Nam mất đi sự độc lập về chính sách tiền tệ khi theo đuổi các mục tiêu khác và các cú sốc chính sách từ Mỹ truyền tải mạnh hơn vào kinh tế trong nước.

"Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra lượng lớn USD (hơn 20 tỷ USD), khiến dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh. Thị trường chuyển từ trạng thái dư thừa sang thiếu cung ngoại tệ rất nhanh. Một phần nguyên nhân là người dân, doanh nghiệp tích trữ USD do kỳ vọng USD còn tiếp tục lên giá. Ngoài ra, thị trường còn xuất hiện tình trạng đầu cơ khi mua từ ngân hàng và bán USD trên thị trường tự do. Những hiện tượng này khiến khả năng cam kết về tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trở nên yếu đi rất nhiều" ông Thế Anh phân tích.

Tiếp sau nỗ lực bán USD giữ tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng công cụ lãi suất. Cuối tháng 9 vừa qua, lãi suất điều hành chính thức tăng 1 điểm %. Mặc dù vậy, mới đây, biên độ tỷ giá cũng đã phải nâng lên 5%, cho thấy hiệu quả bảo vệ tỷ giá không được như kỳ vọng.

Mặt khác, cú tăng lãi suất lại gây ra ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam. Như chúng ta đều biết, đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam là phụ thuộc rất lớn vào tín dụng. Doanh nghiệp hiện nay tiếp cận vốn đã khó khăn, việc tăng lãi suất càng khiến mức độ khó khăn nhân lên gấp bội. Dòng tiền, gánh nặng nợ nần trở thành mối lo lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp, trực tiếp tác động vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

Như vậy, có thể thấy chính sách neo tỷ giá có nhiều nhược điểm. Trước đây, Việt Nam thực hiện neo tỷ giá với hy vọng hạn chế nhập khẩu lạm phát (hay hiệu ứng chuyển của tỷ giá vào giá cả trong nước). Tuy nhiên, thực tế cho thấy neo tỷ giá không hẳn chống được lạm phát. Những năm 2007 – 2011, Việt Nam cũng neo tỷ giá nhưng không chống được lạm phát. Nguyên nhân của lạm phát là tăng trưởng cung tiền quá cao, thâm hụt tài khóa, thương mại trầm trọng. Do đó, về bản chất, để chống lạm phát thì phải kiểm soát cung tiền và giảm thâm hụt.

Từ những phân tích trên, ông Thế Anh cho rằng, Chính phủ có thể cân nhắc chuyển dần từ chính sách neo tỷ giá vào USD sang chế độ thả nổi có điều tiết. Đây là cách mà nhiều nước đã chọn sau khủng hoảng tài chính châu Á.

Theo cách này, ngân hàng trung ương không công bố tỷ giá trung tâm. Tỷ giá sẽ do thị trường quyết định theo cung cầu. Ngân hàng trung ương điều tiết bằng cách sử dụng các công cụ mua bán ngoại tệ, bơm hút tiền. Chính sách tỷ giá này sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ.

Còn hiện nay, đối diện với việc USD lên giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện việc điều chỉnh tỷ giá dần dần. Nhưng chính việc điều chỉnh dần dần này đã nuôi dưỡng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp về việc cầm USD sẽ có lợi, hệ quả là họ găm giữ USD, không bán lại cho ngân hàng nữa.

Chênh lệch giữa giá mua và giá bán ngoại tệ tăng cao cũng khiến cho doanh nghiệp bị thiệt hại khi bán USD cho ngân hàng. Như vậy, đến một lúc nào đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải phá giá mạnh đồng tiền, hoặc tăng lãi suất. Cả hai lựa chọn này đều tác động xấu tới nền kinh tế. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Cũng có quan điểm lo ngại việc thả nổi có điều tiết tỷ giá có thể làm tỷ giá biến động dữ dội hơn, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước có công cụ để quản lý biến động, chứ không thả nổi hoàn toàn. Trong các nền kinh tế tiên tiến, thị trường ngoại tệ sẽ phát triển các công cụ phòng vệ rủi ro tỷ giá. Hiện nay, hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam không phát triển các công cụ này, hoặc có nhưng với chi phí rất lớn, nên tác động của việc điều chỉnh tỷ giá là rất lớn.

Nếu ta cho phép thị trường phái sinh tỷ giá triển khai thì nó có thể được trao đổi như các sản phẩm chứng khoán khác. Công cụ phái sinh sẽ giúp các bên giảm bớt rủi ro tỷ giá. Thông qua việc mua bán phái sinh thay vì mua bán USD thật, kho dự trữ của Ngân hàng Nhà nước được giảm thiểu tác động.

"Thời gian tới, Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất, theo đó sức ép với tỷ giá và lãi suất trong nước tiếp tục tồn tại. Quan điểm của tôi cho rằng, nếu phải hành động, Ngân hàng Nhà nước nên ưu tiên mục tiêu lãi suất, bởi vì sự gia tăng của nó sẽ có tác động xấu với sự phục hồi kinh tế và ổn định của thị trường tài chính trong điều kiện hiện nay", ông Thế Anh dự báo.

Bình Phương t/h