Đó là nội dung trong Nghị quyết số 114 phiên họp Chính phủ tháng 7 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vùa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, Chính phủ thống nhất về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để bổ sung thêm chính sách, tăng thêm quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân, thể hiện chủ trương không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
"Cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc…", Nghị quyết nêu rõ.
Liên quan đến rút bảo hiểm xã hội một lần, Chính phủ đánh giá đây là vấn đề khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội nên có thể đưa ra 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội.
Trong đó cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu quy định các biện pháp thiết thực hỗ trợ, khuyến khích người lao động tự nguyện bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, theo Chính phủ, cần tổng hợp 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội, trong đó thể hiện rõ về phương án được lựa chọn, xác định tổng mức chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội cụ thể của mỗi phương án trên cơ sở đánh giá đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật theo hướng thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bảo hiểm xã hội; tiếp tục tổng kết quy định pháp luật liên quan và tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn, đánh giá đầy đủ cơ sở lý luận và căn cứ để xác định các vấn đề cần kế thừa, các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện hoặc các vấn đề cần bãi bỏ...
Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
rước đó, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 6 năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể, thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; nhiều lao động không chờ được, chọn rút bảo hiểm xã hội một lần; người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản...
Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ rút thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm để lao động tiếp cận hưu trí.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án một, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ giải quyết với 2 nhóm lao động khác nhau.
Nhóm đóng bảo hiểm xã hội trước khi Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (trước ngày 1/1/2025) sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia thì được rút một lần. Quy định này kế thừa Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội để lao động được chọn bảo lưu thời gian đóng hoặc rút nếu có nhu cầu. Nếu chọn bảo lưu, lao động sẽ hưởng thêm các quyền lợi.
Nhóm tham gia sau ngày luật sửa đổi có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội một lần, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai, lao động tham gia bảo hiểm xã hội dưới 20 năm mà sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu có yêu cầu thì được rút một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia hệ thống an sinh và hưởng chế độ.
Sau khi Chính phủ thống nhất, các nội dung nêu trên sẽ được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
T.H