Chính phủ đã phản ứng chính sách rất nhanh nhạy

00:00 12/10/2020

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 11-CT/TTg về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19, với trọng tâm là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đã có phản ứng chính sách rất nhanh nhạy, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cấp bách trước mắt song vẫn đảm bảo không để lại những hệ luỵ tiêu cực đối với kinh tế vĩ mô lâu dài.

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc các gói hỗ trợ này sẽ được thiết kế và sử dụng như thế nào cho hiệu quả, thưa ông?

Trước hết cần khẳng định rằng, đối với Chỉ thị 11, nhóm giải pháp đầu tiên và cấp bách nhất chính là gói hỗ trợ tín dụng và tài khoá. Nhóm giải pháp này thể hiện 2 vế là trách nhiệm của DN với DN, và trách nhiệm của Nhà nước với DN. Theo đó, cách thức vận hành và đưa 2 gói hỗ trợ này vào nền kinh tế sẽ dựa trên tín hiệu và nhu cầu của thị trường, hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm.

Về bản chất, hai gói hỗ trợ này không giống như những gói kích cầu năm 2008, gồm gói 1 tỷ USD hỗ trợ lãi suất tín dụng và gói 8 tỷ USD kích cầu nền kinh tế, đều lấy từ ngân sách Nhà nước. Thực tế cho thấy đó là những gói hỗ trợ kém hiệu quả, gây nên nhiều hệ lụy về sau như tăng lạm phát, dòng vốn đổ vào một số lĩnh vực kém hiệu quả, trong khi việc triển khai thực hiện cực kỳ phức tạp, không phù hợp trong bối cảnh mà chúng ta đang cần các giải pháp cấp bách, có thể áp dụng ngay.

Ông có thể giải thích rõ hơn về 2 gói hỗ trợ này?

Đối với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng, là tổng các gói mà khoảng 10 TCTD cam kết cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn so với tín dụng thông thường. Ở đây NHNN là cơ quan điều phối chung, thể hiện vai trò trọng tài, cũng như vai trò quản lý của Nhà nước. Đối với gói này, trước hết chúng ta phải nói nó nằm trong tổng chỉ tiêu điều hành tín dụng mà chúng ta dự kiến đưa ra trong năm 2020. Như vậy nguồn vốn chính của các gói này vẫn là tiền gửi của các cá nhân, tổ chức, không phải nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Số tiền cho vay vẫn sẽ tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD, nên không quan ngại về việc gây áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là NHNN sẽ làm việc với các NHTM và các DN để đưa ra định hướng chung. Đối với DN, sẽ chọn những ngành và lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm, tạo ra cú hích đối với nền kinh tế, hoặc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 để rót vốn. Các TCTD trên cơ sở định hướng của Chính phủ cũng như NHNN, bằng quyền tự chủ của mình để tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng trên được vay với lãi suất thấp hơn lãi suất bình thường. Đây là mức mà các TCTD có thể chấp nhận được, song họ cũng sẽ phải tiết giảm chi phí, hạ các mức phí quản lý xuống tối đa để cùng chia sẻ với các DN sản xuất và thương mại trong bối cảnh dịch bệnh đang rất căng thẳng như thế này. Như vậy, cơ chế, quy trình cho vay về cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, trách nhiệm vay - trả thuần túy là giữa TCTD và bên vay vốn. Vì vậy gói hỗ trợ này thể hiện trách nhiệm giữa DN với DN.

Vậy còn trách nhiệm của Nhà nước với DN được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Đối với gói 30.000 tỷ đồng thì ở đây thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với DN. Theo đó, nhà nước tiến hành giãn thuế, giảm thuế, cho nợ thuế, chưa thu tiền thuế thu nhập DN cùng một loạt thuế khác để DN có dòng tiền duy trì hoạt động. Dự kiến tổng các khoản đó vào khoảng 30.000 tỷ đồng. Như vậy, thay vì ngay trong 4 tháng đầu năm, NSNN sẽ có khoảng 30.000 tỷ đồng từ các khoản thu này, thì trong năm nay các khoản đó sẽ giảm đi hoặc đến chậm hơn. Với gói hỗ trợ này, Chính phủ phải tính toán cân đối giữa các khoản thu và chi thường xuyên, chi đầu tư của Chính phủ. Cân đối giữa thu và chi ngân sách sẽ bị hụt trong mấy tháng đầu năm này, và tới đây chúng ta sẽ phải xem xét hướng xử lý các khoản hụt thu này như thế nào để bảo đảm cho NSNN vẫn có tiền để giải ngân đầu tư công cũng như các khoản chi tiêu khác. Đây cũng là nhiệm vụ cấp bách để duy trì và tạo động lực cho tăng trưởng trong năm nay.

chinh phu da phan ung chinh sach rat nhanh nhay

Các TCTD đang xây dựng gói tín dụng trị giá 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5-1% để hỗ trợ DN

Khi đề cập đến các gói hỗ trợ, vẫn có một số ý kiến lo ngại rằng các giải pháp này sẽ không đến đúng mục tiêu, thưa ông?

Lo ngại như vậy là dựa trên kinh nghiệm những lần trước, nhưng ở đây cơ quan quản lý nhà nước đã lường trước được. Với gói hỗ trợ tín dụng, nhà nước đưa ra chính sách và để cho DN tự quyết định theo nguyên tắc thị trường, họ giám sát hoạt động, nguồn vốn vay của nhau. Như với gói tín dụng 250.000 tỷ đồng là của DN với DN, tức là nếu DN có dự án tốt, vẫn duy trì sản xuất, có bạn hàng, mở ra thị trường thì ngân hàng sẽ cho vay ở mức lãi suất ưu đãi, chứ không phải cho vay bằng mọi giá để rồi sản xuất ra mà không bán được hàng.

Ông đánh giá thế nào về các phản ứng của Chính phủ nhằm ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 trong thời gian qua?

Với các chính sách trong thời gian qua, đặc biệt là với Chỉ thị 11, có thể khẳng định rằng Chính phủ đã phản ứng rất nhanh nhạy. Vì thực ra dịch mới bắt đầu từ cuối tháng 1 mà đến bây giờ là đầu tháng 3, chúng ta đã có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và đã đưa ra gói hỗ trợ với những chính sách và biện pháp giám sát, quản lý phù hợp với nền kinh tế thị trường. 

Bên cạnh đó, một trong những mặt được của các giải pháp đó là Chính phủ đã rất chú trọng tới vấn đề nuôi dưỡng nguồn thu, thể hiện qua gói hỗ trợ tài khoá. Các chính sách mà chúng ta đưa ra ở đây đều thuộc thẩm quyền Chính phủ, chứ không nằm trong quy trình là phải xin ý kiến Quốc hội, qua đó đã rút ngắn tối đa thời gian để chính sách đi vào cuộc sống và giúp DN, người dân được hưởng lợi ngay.

Tôi cho rằng chỉ cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp trong Chỉ thị 11, cùng với Nghị quyết 01 và 02 ban hành hồi đầu năm, chúng ta đã bao quát được hết các vấn đề chính sách cấp bách và lâu dài của nền kinh tế trong thời điểm hiện tại. Từ đó đủ sức để đưa nền kinh tế vượt qua các tác động tiêu cực của dịch bệnh với tổn thất thấp nhất và phục hồi nhanh nhất trong khả năng của chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Khanh (thực hiện)