Chia sẻ rủi ro mới thu hút nhà đầu tư

00:00 12/10/2020

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã được đưa ra họp bàn, trong đó có ý kiến lo ngại với cơ chế chia sẻ rủi ro giữa phía Nhà nước và nhà đầu tư.

Ảnh minh họa

Những vấn đề này thực chất không mới, trước đó đã được nêu ra tại rất nhiều hội thảo. Vấn đề nên đặt ra là làm thế nào thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia mới có thể tổ chức đấu thầu, không còn tình trạng chỉ định thầu như thời gian qua, bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư dự án PPP.

Đến nay, hầu hết tỉnh thành trên cả nước đều tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có lĩnh vực giao thông, nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng ít tham gia, ngay cả nhà đầu tư trong nước cũng lo ngại. Bởi dự án BT có thể vướng thu hồi quỹ đất vì người giải tỏa khiếu nại, chậm giao mặt bằng, chính sách thay đổi, hồi tố phải dừng dự án. Hay dự án BOT sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hoàn vốn trải qua nhiều thủ tục, chậm thu phí vì lúc đó cơ quan quản lý mới trình cấp thẩm quyền HĐND tỉnh/thành phố hoặc Bộ Tài chính xem xét. Làm xong dự án mới tính đến thu phí hoàn vốn trong khi hàng tháng trả cả gốc lẫn lãi vay ngân hàng, nhà đầu tư nào không lo rủi ro?

Thật sự những tiêu cực, phát sinh thời gian qua với dự án PPP như lợi ích nhóm, móc ngoặc chia chác, cán bộ lợi dụng chức vụ bảo trợ cho tham nhũng bằng cách gây thất thoát tài sản công… Còn dự án BT thì thấy sự lãng phí trong hình thức “đổi đất lấy hạ tầng; dự án BOT thì giao cho nhà đầu tư những đặc quyền thu phí và sử dụng vốn vay ngân hàng.

Bạn tôi làm chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, kể rằng đấu thầu chỉ là mánh khóe, hình thức giống như diễn kịch, vì đã biết trước đơn vị trúng thầu, phân chia "khu vực này của tôi, khu vực kia của anh", giới xây dựng thường gọi là “quân xanh”, “quân đỏ”.

Có trường hợp tổ chức đấu thầu đầy đủ đơn vị tham gia nhưng làm “chân gỗ” (từ ngữ dùng chỉ nhà thầu tham dự cho đủ thành phần quy định nhưng không bao giờ trúng thầu), tất nhiên “chân thật” trúng thầu như đã giàn xếp.

Những nhà đầu tư này sử dụng phần lớn là vốn vay ngân hàng, mọi chi phí phát sinh và lãi suất cho cả vòng đời dự án là rất lớn đều được đưa vào dự án để thanh toán. Lúc này, chẳng khác nào “tay không bắt giặc”, Nhà nước đi vay tiền để nhà đầu tư làm dự án.

Khi ngân sách còn hạn chế, không thể hoàn thiện cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ khác nếu chỉ dựa vào đầu tư công. Cần huy động nhiều nguồn vốn, thu hút các nhà đầu tư. Nhà nước nhiều khi muốn nhưng chưa hẳn nhà đầu tư tham gia làm dự án, thì phải “đi câu”. Không có tiền hoặc góp ít tiền, “mồi câu” có thể trưng ra là chính sách thông thoáng.

PPP trong đó có dự án BT, BOT là mô hình thích hợp cho các nước đang phát triển huy động vốn và công nghệ để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông. Hàn Quốc đã thu hút nguồn lực bên ngoài, tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng, ngoài tạo cơ chế cho chuyển nhượng dự án để sớm thu hồi vốn còn bảo lãnh rủi ro cho nhà đầu tư.

Từ năm 1999, Hàn Quốc bắt đầu áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu, dự án do Nhà nước đề xuất thì bảo lãnh đến 90% doanh thu, đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất thì bảo lãnh 80% doanh thu. Hàn Quốc cũng đã áp dụng cơ chế bảo lãnh cho toàn bộ thời gian vận hành, khai thác dự án. Đến năm 2003, Hàn Quốc giảm dần thời gian bảo lãnh cho các dự án xuống. Từ năm 2009, Hàn Quốc dừng áp dụng hình thức bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án BOT, lúc này họ đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.

Góp ý về Dự thảo Luật PPP, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Ra luật này có thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án đối tác công tư hay không, đó mới là vấn đề. Nhưng nếu tôi là doanh nghiệp, tôi đọc dự thảo luật này thì tôi chưa bỏ tiền ra đâu”.

Thu hút được đầu tư có tiềm lực lớn đâu chỉ giảm gánh nặng ngân sách mà còn tạo ra giá trị xã hội, mắt xích giúp phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của mỗi địa phương hay quốc gia. Càng quan trọng hơn trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vượt qua khó khăn ảnh hưởng dịch bệnh, vừa có điều kiện khai thác tiềm lực trong nước về tài nguyên, nhân lực và kéo theo đó là các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật cùng với dây chuyền sản xuất, cách thức quản lý tiên tiến phục vụ phát triển nhanh và toàn diện.

Bởi bất kỳ nhà đầu tư nào bên cạnh hợp tác phát triển, không ngoài mục đích lợi nhuận, lo ngại những rủi ro ngoài tầm kiểm soát, tính toán kỹ lưỡng đến khi đảm bảo niềm tin chắc chắn mới rót nguồn vốn lớn mà nhất là với những dự án có thời gian hoàn vốn kéo dài.

Nước ta có nhu cầu rất lớn thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, môi trường... PPP là hình thức hợp tác công - tư, có thể gọi là mời nhà đầu tư tham gia hợp tác dài hạn. Vì vậy, khu vực công và tư cần chia sẻ không chỉ lợi ích mà còn cả rủi ro.

Nhà nước chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, không nên nhìn ở góc độ tránh gây ra rủi ro cho ngân sách, mà hãy hướng đến chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển. Cơ chế chia sẻ rui ro không nhất thiết chỉ dựa vào ngân sách, sử dụng quỹ tích lũy trả nợ, lập dự toán và sử dụng nguồn chi thường xuyên để chi trả cho những dự án không đủ nguồn thu theo phương án tài chính.

Nếu đặt vấn đề đầu tư theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu, không chia sẻ rủi ro thì khó đạt mục đích thu hút nhiều nhà đầu tư, nhất là khi thủ tục hành chính còn rườm rà và chính sách dễ thay đổi. PPP là hợp tác công tư, nhà nước cũng phải có một phần trách nhiệm, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư là bình thường.

Muốn thu hút vốn tư nhân, không chỉ chia sẻ rủ ro với nhà đầu tư, còn phải loại bỏ các thủ tục không cần thiết. Đặc biệt, tránh tác động bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm làm méo mó chủ trương đúng đắn, đoạn tuyệt với các doanh nghiệp sân sau, cản trở các nhà đầu tư chân chính. Theo đó là tạo sự bình đẳng thật sự trong hợp tác, cạnh trạng lành mạnh, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, là công khai, minh bạch các thông tin.

Một khi đã có nhiều nhà đầu tư tham gia, tức sẽ có cạnh tranh. Lúc đó, tổ chức đấu thầu rộng rãi và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư có năng lực tốt, tiềm lực kinh tế mạnh, tăng mức sàn góp vốn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế sử dụng vốn ngân sách và vốn vay. Chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự, tiềm lực kinh tế mạnh, hạn chế được lãi vay ngân hàng cho cả vòng đời dự án kéo dài hàng chục năm đã lợi cho nhà nước rất nhiều.

PPP được hình thành là cơ sở thu hút vốn tư nhân, nhà đầu tư. Tạo cơ chế hấp dẫn, yên tâm thì nhà đầu tư mới sẵn sàng rót vốn nguồn lớn tham gia dự án. Nên cấu trúc lại theo hướng rút ngắn thời gian đầu tư, chia sẻ rủi ro. Thời gian thu hồi vốn có thể rút ngắn dưới 10 năm thay vì kéo dài 20, 30 năm. Nhà nước chia sẻ rủi ro cũng có thể có thể mua lại dự án bằng tiền cho thuê cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế mở cho nhà đầu tư bán lại dự án thu hồi vốn sớm hơn để đầu tư các dự án khác.

Vấn đề là kiểm soát được các rủi ro có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ các khoản chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra, thời gian thu hồi vốn.

Trần Văn Tường