Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Bộ Tài chính đang dự thảo dự toán NSNN năm 2019, cần xem xét nghiêm túc các khoản chi thường xuyên, cắt giảm với những khoản chi không cần thiết, vượt khỏi thông lệ quốc tế và tăng minh bạch ngân sách.
Bất cập trong điều hành ngân sách
Theo báo cáo Bộ Tài chính vừa công bố, dự toán chi ngân sách năm 2019 là 1,633 triệu tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên trên 1,042 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 63,8% tổng chi. Tỷ lệ chi thường xuyên trên đã giảm so với những năm trước nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra lo lắng bởi bộ máy hành chính cồng kềnh và nhiều khoản chi quá sức chịu đựng nền kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, dự toán chi ngân sách năm 2019 là 1,633 triệu tỷ đồng. Ảnh: Chiến Công
Dẫn chứng về việc các khoản chi thường xuyên không cần thiết, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu ví dụ, ở Việt Nam, cấp Thứ trưởng hiện nay đi công tác đều bay hạng thương gia, dù chỉ là đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Trong khi lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều ngồi ghế hạng phổ thông. TS Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh nhiều nước hoặc các tổ chức trên thế giới có những quy định rất chặt chẽ dành cho cán bộ đi công tác bằng máy bay. “Nếu các chặng bay có số giờ bay từ 5 giờ đến 7 hoặc 8 giờ mới được ngồi hạng thương gia để đảm bảo có đủ sức khỏe khi đến nơi làm việc. Còn những chặng bay ngắn thì đi hạng phổ thông” - ông Doanh cho biết. Vị này nhấn mạnh cần xem xét lại một cách nghiêm túc các tiêu chuẩn để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và sức chịu đựng của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài. Theo đó, người đứng đầu Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị không tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài từ nguồn kinh phí các dự án (trừ các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn kinh phí không hoàn lại), kinh phí từ các nguồn vốn vay ODA, vay nước ngoài và các nguồn tài trợ khác để đi công tác nước ngoài. Bộ này cũng yêu cầu không cử quá một đoàn đi công tác cùng thời gian, địa điểm, nội dung trong cùng một nước đến trong thời gian 3 năm. Đồng thời, không đi quá 3 nước trong cùng một chuyến công tác.
Cũng nói về vấn đề ngân sách nặng gánh vì công tác chi, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Phạm Đình Cường lại chỉ ra sự mâu thuẫn trong điều hành ngân sách. Đó là cứ tăng thu bao nhiêu thì lại tăng chi bấy nhiêu. “Lẽ ra theo Luật NSNN, nếu có tăng thu thì giảm bội chi nhưng thực tế ta lại không giảm” - ông Cường nói. Đồng thời đánh giá, tình hình ngân sách thực tế vẫn căng thẳng và Việt Nam cần thực hiện cải cách mạnh hơn nữa.
Bội chi giảm “thần kỳ”?
Về bội chi, chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường nhắc tới câu chuyện, trước đây mức bội chi có thể lên tới 5 - 6% GDP nhưng hiện chỉ vào khoảng 3,6% GDP. Việc hạ bội chi nhanh như trên theo ông Cường không phải “điều thần kỳ” mà đó là do cách tính khác. “Luật cũ ta tính cả nợ gốc trong bội chi nhưng luật mới ta không tính trả nợ gốc vào. Nên cẩn trọng khi đọc con số” - ông Cường cảnh báo.
Đề cập đến vấn đề minh bạch ngân sách, các chuyên gia cho rằng, công tác chi ngân sách được người dân đặc biệt quan tâm, tuy nhiên hàng năm người dân chỉ nắm bắt được con số chung chung về chi đầu tư, chi thường xuyên, chi trả nợ. Quan điểm này cũng được chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường chia sẻ. Ông lấy ví dụ về dự toán ngân sách năm 2019, tổng chi đưa ra thiếu chi tiết, cụ thể. Vị này khẳng định, theo luật, chi đầu tư phát triển phải được nêu rõ chi tiết từng lĩnh vực nhưng dự thảo chỉ đưa ra con số chung.
Vì thế, trong bối cảnh Bộ Tài chính đang dự thảo dự toán NSNN năm 2019, Quốc hội cũng đang thảo luận về nội dung này, các chuyên gia kiến nghị cần xem xét nghiêm túc các khoản chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không cần thiết, vượt khỏi thông lệ quốc tế. Ngoài ra, thu chi NSNN cần công khai, minh bạch hơn, thay vì những con số chung chung như hiện nay.
“Mức độ công khai minh bạch của ngân sách Việt Nam còn kém xa chuẩn quốc tế. Nếu nhìn ra nước ngoài có thể thấy, quyết toán ngân sách ở các nước như Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc có hàng nghìn trang thì Việt Nam chỉ khoảng chục trang. Các chuyên gia muốn truy cũng chẳng truy được gì, không biết ai chi cái gì và hiệu quả ra sao”. - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Nha Trang