Khá nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và du lịch chọn giải pháp "ngủ đông" thời điểm hiện tại, khi ngành du lịch gần như đóng băng vì các đường bay bị hạn chế và tâm lý "ngại di chuyển" để phòng ngừa lây lan Covid-19 trong cộng đồng.
Câu chuyện con rắn và cái cưa
Một đêm nọ con rắn đang tìm kiếm thức ăn, bò vào một xưởng mộc. Khi con rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị một vết cắt nhỏ. Ngay lập tức, nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, nó quay lại và cắn thật mạnh vào cái cưa khiến cho miệng nó chảy máu. Điều này khiến con rắn rất tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và dường như đã "chết rồi".
Sắp chết vì những vết thương của mình, con rắn quyết định cắn một cái cuối cùng và quấn lấy cái cưa với ý định làm cho cái cưa ngạt thở với toàn bộ sức mạnh của mình. Thật không may, con rắn cuối cùng bị chết bởi 1 cái cưa vô tri vô giác.
Shark Dzung Nguyễn đã chia sẻ câu chuyện "Con rắn và cái cưa" để đánh giá tình hình các startup thời "cả thế giới ở trong trạng thái ai ở đâu ở yên đó". Shark Dzung cho rằng "đôi khi, chúng ta phản ứng với sự giận dữ với ý định sẽ làm tổn thương những người đã đối xử tệ với mình nhưng thực ra chúng ta đã làm tổn thương chính bản thân mình. Trong cuộc sống, có những lúc tốt hơn là mặc kệ sự việc và tốt hơn là luôn ứng xử bằng sự yêu thương và lòng vị tha, mặc dù phải nỗ lực rất nhiều".
Thời điểm doanh nghiệp ngủ đông
Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cengroup, Chủ tịch CenInvest đã đưa ra lời giải thích vì sao doanh nghiệp nên chọn giải pháp ngủ đông trong thời điểm này, và ông Hưng nhấn mạnh rằng "Mất thanh khoản, mất vốn là mất hết". Trong nguy có cơ, nói đúng hơn, chúng ta phải tìm ra những cách thức, giải pháp, và sản phẩm, dịch vụ mới để vượt qua lúc khủng hoảng.
Ngủ đông là gì?
Ngủ đông là trạng thái hạ thân nhiệt có điều hòa ở động vật để giảm mức trao đổi chất, tiết kiệm năng lượng. Các hoạt động cơ thể, bao gồm thở, nhịp tim, thân nhiệt và quá trình trao đổi chất đều giảm xuống.Hiện tượng này xảy ra trong vài ngày hoặc hàng tuần giúp cho động vật tiết kiệm năng lượng trong mùa đông, hoặc qua đêm băng giá trên núi cao.
Tại sao doanh nghiệp cần chuyển sang trạng thái ngủ đông thời khủng hoảng?
Thứ nhất, doanh thu giảm sút hoặc không có.
Thứ hai, biến phí giảm do doanh thu giảm nhưng định phí vẫn giữ nguyên khiến mất cân đối thu và chi.
Thứ ba, lợi nhuận âm và doanh nghiệp phải lấy quỹ dự phòng để duy trì dòng tiền.
Thứ tư, doanh nghiệp cần tồn tại qua khủng hoảng. Mất thanh khoản, mất vốn là mất hết.
Thứ năm, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng. Thiếu nguồn lực thì mất cơ hội.
Theo Shark Hưng, chuyển sang trạng thái ngủ đông bằng cắt giảm chi phí không phải bởi vì tình trạng tài chính của doanh nghiệp không ổn mà là việc doanh nghiệp ứng phó với việc giảm sút nguồn thu và cân bằng thu chi. Không có thu thì giảm chi. Giá cổ phiếu xuống thì chúng ta có thể đổ tiền ra cứu. Chi phí và doanh thu mất cân đối khiến dòng tiền âm đến khi các quỹ của chúng ta hết tiền thì không ai cứu được. Lúc này, uy tín thương hiệu vẫn quan trọng nhưng còn tồn tại và phục hồi nhanh sau khủng hoảng mới là điều quan trọng nhất. Một số nhóm chi phí có thể thực hiện được ngay gồm: chi phí nhân sự, chi phí điện nước, văn phòng phẩm, chi phí tiếp thị, thuế…
Ông Hưng đưa ra giải pháp cắt giảm hoạt động cho từng nhóm nhân sự trong công ty, chia làm 3 nhóm gồm không thể cắt giảm, có thể cắt giảm và cắt giảm ngay lập tức.
Nhóm không thể cắt giảm gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, thâm niên thì vận động tạm dừng nhận lương và phụ cấp trong 6 tháng, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu. Đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.
Nhóm có thể cắt giảm gồm những nhóm trực tiếp tạo ra doanh thu, tạm dừng nhận 50% lương và phụ cấp, giữ ở mức duy trì cơ bản cuộc sống, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu. Đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.
Nhóm cắt giảm ngay lập tức là nhóm gián tiếp tạo ra doanh thu và có thể tuyển thay thế sau khi khủng hoảng kết thúc và kinh doanh phục hồi.
Nhóm chi phí điện nước, văn phòng phẩm: thực hiện giải pháp làm việc tại nhà, giảm ngày làm việc còn 3-4 ngày/tuần…..
Nhóm chi phí thuế: xin miễn giảm và hoãn nộp tất cả các loại thuế, phí (BHXH, phí Công đoàn, thuế VAT….) đến khi kết thúc khủng hoảng và phục hồi kinh doanh
Đối với doanh nghiệp, Shark Hưng cho rằng doanh nghiệp nên tối kỵ sử dụng các khoản vay ngân hàng để duy trì thanh khoản và dòng tiền trong lúc khủng hoảng. Các khoản vay nên dùng để phục hồi kinh doanh sau khi khủng hoảng kết thúc.
Tổng kết lại, Shark Hưng cho rằng việc thực hiện các giải pháp ngủ đông giúp doanh nghiệp duy trì được dòng tiền tối thiểu vượt qua khủng hoảng, giữ được bộ máy chủ chốt hoạt động để có thể phục hồi kinh doanh ngay sau khi kết thúc khủng hoảng.
"Lúc có thì chẳng ăn de, đến khi hết sạch ăn dè chẳng ra" – lúc này khi chưa biết khủng hoảng khi nào kết thúc thì giải pháp ngủ đông là cần thiết và cấp bách cho tất cả các doanh nghiệp lớn hay nhỏ, dù có hay không có áp lực mất thanh khoản hay khủng hoảng dòng tiền.
PV