Cần và đủ cho mở cửa đi lại

04:52 09/10/2021

Một yêu cầu tiên quyết để trở lại bình thường sau dịch bệnh, giúp nhanh chóng hồi phục kinh tế, là các địa phương kết nối thuận tiện cho người dân đi lại. Muốn thế, các địa phương và ngành giao thông cần thiết lập yêu cầu cần và đủ cho mở cửa đi lại.

Việc yêu cầu công dân khai báo y tế đi lại cần đơn giản hóa qua thống nhất mã QR công dân quốc gia.
Việc yêu cầu công dân khai báo y tế đi lại cần đơn giản hóa qua thống nhất mã QR công dân quốc gia.

Nên thống nhất quy định công dân Việt Nam có đủ giấy tờ, đáp ứng 2 điều kiện cần và đủ cơ bản là nên tạo điều kiện đi lại dễ dàng.

Điều kiện cần, là đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19 sau 16 ngày.

Điều kiện đủ, là tuân thủ và bảo đảm các tiêu chí an toàn dịch tễ.

Thiết nghĩ, 2 điều kiện này cơ bản đáp ứng yêu cầu thích ứng, sống chung với đại dịch trong tình hình mới.

Bởi lẽ, không phải tỉnh thành nào cũng đủ vắc xin cho công dân có 2 mũi tiêm. Phần lớn công dân ở các đô thị lớn cũng đang chờ tiêm mũi thứ 2. Việc tiêm vắc xin cũng không đồng nghĩa công dân miễn nhiễm Covid-19 mà chỉ đảm bảo có sức đề kháng vượt qua. Nếu đòi hỏi phải đủ 2 mũi tiêm mới được đi lại, sẽ bất tiện cho công dân, ngăn trở quyền đi lại chính đáng của họ. Bởi tiêm chủng vắc xin là do chính phủ tổ chức và các địa phương bố trí, không thuộc quyền lựa chọn của công dân.

Về an toàn dịch tễ, tại các nhà ga, lực lượng chức năng có trách nhiệm bố trí thiết bị kiểm soát dịch tễ. Công dân sẽ có trách nhiệm chấp hành và hỗ trợ theo yêu cầu của cơ quan chức năng phòng chống dịch.

Cụ thể, công dân phải có giấy tờ hợp lệ, khai báo đầy đủ y tế. Việc này đã quy định rõ với chủ trương của chính phủ, vận động chỉ dùng một mã QR để công dân tiện sử dụng. Công dân chỉ cần lưu giữ hay in mã QR được cấp để trình quét qua thiết bị kiểm soát của cơ quan chức năng, chứ không phải đứng làm tờ khai, kể cả tờ khai điện tử ở nơi kiểm tra.

Tốt nhất, công dân dùng mã QR công dân liên quan căn cước do bộ Công an cấp; hoặc mã ở Sổ tay sức khỏe do bộ Y tế cấp, ở phần mềm VNEID do bộ Công an cấp. Cơ quan chức năng cần có thiết bị quét được các mã này. Trường hợp công dân không có mã QR, mới phải khai báo y tế và các thủ tục ở điểm kiểm soát.

Công dân khi đi lại phải tuân thủ 5K, đặc biệt về khoảng cách, khẩu trang. Điều này, tổ chức vận tải hành khách phải hỗ trợ bố trí chỗ ngồi, cung cấp dung dịch sát khuẩn, khẩu trang… thuận lợi cho công dân.

Để đảm bảo an toàn hơn, việc vận chuyển có thể yêu cầu công dân lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ, nếu công dân chưa đủ hai mũi vắc xin. Không nên sử dụng giấy xét nghiệm có thời hạn vì không đảm bảo an toàn, chỉ là thủ tục chủ quan, gây tốn kém cho công dân.

Điều cần nhất chính là thái độ và ý thức tuân thủ phòng dịch ở công dân, chứ không phải hình thức thể hiện thành tích chống dịch của cơ quan chức năng. Được như vậy, việc đi lại sẽ thuận lợi, đảm bảo các quyền công dân chính đáng, góp phần kết nối giao thông cả nước và tăng hiệu quả khôi phục nền kinh tế quốc dân.

Nguyên Đức