Cần nhiều trợ lực giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển

09:02 21/10/2020

Trong 5 năm trở lại đây, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng tạo điều kiện kinh doanh cho DN, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai mà một trong các mục tiêu là 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 chưa đạt được.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn

Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến 2020 đề ra 6 mục tiêu. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, có 3 mục tiêu không đạt được, đó là số lượng doanh nghiệp đến 2020 khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Đến nay cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp hoạt động. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm cũng chưa đạt được. GDP của khu vực tư nhân có xu hướng tăng lên, nhưng không đạt được mục tiêu 48-49% như Nghị quyết đề ra. Các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chưa đủ hấp dẫn, dẫn tới kém hiệu quả. 

Trên thực tế, doanh nghiệp rất khó tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ. Chỉ có 2% doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19. Có quá nhiều văn bản chồng chéo, khiến doanh nghiệp rất khó thực thi. Như theo chia sẻ cuẩ ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt- Đức, việc triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cũng như Nghị quyết 35 đang theo mô hình tam giác ngược, tức là phía trên TW rất quyết liệt, thông thoáng nhưng càng xuất dưới địa phương các khó khăn. Ông đơn cứ như chính sách hỗ trợ DNNVV khó khăn vì dịch Covid-19 vừa rồi, trong Hiệp hội DNNVV Việt- Đức hầu như chưa có DN nào dược hưởng.

Bên cạnh đó theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo Nghị quyết 35/NQ-CP và Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 39/2018/NĐ-CP,  hiện nay, 20% doanh nghiệp vẫn bị thanh kiểm tra 2 lần/năm. Việc theo dõi và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ của các bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc. Báo cáo chủ yếu mang tính thống kê. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả. Năng lực của doanh nghiệp còn yếu, đa số doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược dài hạn nên khó hấp thụ được những chính sách hỗ trợ.

Bà Trịnh Thị Hương- Trưởng phòng Tổng hợp Chính sách, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, đến tháng 10/2020 cả nước mới có gần 759 ngàn DN. Trong giai đoạn 2016- 2020, tốc độ DN thành lập mới trung bình chỉ hơn 10%, tốc độ tăng bình quân số DN đang hoạt động đạt 14,4%. Trong khi đó, muốn đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng DN hoạt động bình quân cần đạt là 17,7%”.

Đáng chú ý, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN chưa đủ hấp dẫn, kết quả chuyển đổi rất thấp. Tổng hợp từ các địa phương cho thấy, tuy số hộ kinh doanh hiện nay chiếm tới hơn 4,3 triệu hộ nhưng việc các hộ kinh doanh sẵn sàng chuyển đổi và chính thức hóa hoạt động sản xuất kinh doanh còn rất nhiều rào cản. Đến nay mới chỉ có 4/55 địa phương (Vĩnh Long, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Hà Tĩnh) xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Thực tế, số lượng DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh còn rất thấp. Theo báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp, thành phố Hải Phòng trong 2 năm 2018-2019, chỉ có 4 DN chuyển đổi thành công từ hộ kinh doanh; tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018 chỉ có 1 DN từ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tỉnh Phú Yên có 2 DN chuyển đổi.

Nguyên nhân một phần do tác động của dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020 đến nay, số DN tạm ngừng hoạt động tăng 82% so với cùng kỳ, số DN thành lập mới đạt thấp nhất trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan chính là do việc thực hiện nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ DN tại Nghị quyết 35 chưa hiệu quả, chủ yếu dừng ở việc ban hành các văn bản quy định; mức độ tiếp cận và hưởng chính sách của DN còn hạn chế, Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ DN chưa được hiệu quả.

Cần nhiều hỗ trợ doanh nghiệp

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị đưa ra 6 nhóm giải pháp; trong đó, gồm hỗ trợ doanh nghiệp sau tác động bởi dịch bệnh COVID-19; Phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; tăng cường kiên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phát triển doanh nghiệp.

Theo Phạm Thị Ngọc Thuỷ, chuyên gia tư vấn, Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID-LinkSME) cũng cho rằng, sau 5 năm thì môi trường kinh doanh của Việt Nam có rất nhiều cải thiện.

Với 5 nhiệm vụ triển khai nhiệm vụ của Nghị quyết 35 thì đa phần các địa phương đều triển khai và đạt được. Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp đều mong muốn có sự đột phá, mang tính chiến lược và hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất.

Do vậy, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; tăng định mức hỗ trợ đối với đào tạo trực tiếp, bổ sung tỷ lệ hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; bổ sung quy định về đào tạo trực tuyến, đào tạo cho cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; bổ sung quy định về cơ chế cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách tư vấn và mạng lưới tư vấn viên.

Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang tới đây, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phổ biến những kinh nghiệm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp như Bến Tre, Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh để các tỉnh học tập, rút kinh nghiệm trong việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự chia sẻ, nghiên cứu đồng bộ các giải pháp trong việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất, trong thời gian tới, cần hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ Hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, đào tạo, lao động có tay nghề và chuyên gia.

Như vậy,để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, cần khuyến khích phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô vừa và lớn; xây dựng các thương hiệu mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, đổi mới tư duy quản lý nhà nước về doanh nghiệp khu vực tư nhân, theo đó nhà nước coi doanh nghiệp vừa là khách hàng được phục vụ vừa là đối tượng quản lý...

 Gia Gia