Bộ Tài chính cũng công nhận Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã phát sinh một số bất cập, cần được nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp. Theo đó tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2025, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế TNCN (sửa đổi) sau đó dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026. Như vậy trong 2 năm nữa, người dân phải chịu những bất cập của luật thuế này.
Tính toán “máy móc” của Bộ Tài chính
Chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 8 đang diễn ra, cử tri 6 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, TP HCM, Bắc Kạn, Đồng Nai, Lạng Sơn, Nghệ An kiến nghị xem xét sửa đổi Luật Thuế TNCA theo hướng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) đối với người nộp thuế TNCA cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, mức sống và phù hợp với chủ trương tăng lương của Nhà nước kể từ ngày 1/7.
Đây là lần thứ 3 trong khoảng 1 năm trở lại đây, cử tri TP HCM và các địa phương khác liên tiếp có văn bản gửi lên Quốc hội kiến nghị nâng mức GTGC, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật Thuế TNCN, bởi mức giảm trừ hiện tại đã quá lạc hậu so với giá cả biến động như hiện nay.
Vấn đề này, trước đó, tại kỳ họp cuối năm 2023, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - thẳng thắn chỉ ra nhiều chính sách thu ngân sách đang biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Ông Lâm dẫn chứng như Luật Thuế TNCN hiện hành đều không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát... “Có nội dung đã lạc hậu cả chục năm là bất cập lớn” - ông Lâm nói.
Ý kiến của ông Lâm được nhiều ĐBQH đồng tình và cho rằng hiện nay mức GTGC 15,4 triệu (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu) duy trì từ tháng 7/2020. Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30%, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên. Thậm chí có quy định đã lạc hậu, chậm điều chỉnh cả chục năm như 7 bậc chịu thuế TNCN áp dụng từ năm 2007 đến nay.
Một bất cập rất dễ nhận thấy là từ 1/7/2024 tăng lương nhưng thuế TNCN và mức GTGC không được điều chỉnh, thì thuế đã lấy đi một phần dù khá nhỏ so với thu nhập tăng thêm đó.
Do đó, tại kỳ họp Quốc hội lần trước (6/2024), nhiều ĐBQH cũng kiến nghị tăng mức GTGC. Các ĐB cho rằng, hiện nay mức sống tăng lên, chi phí đắt đỏ và lương tăng 30% (từ 1/7) thì ít nhất GTGC cũng phải tăng 30%, thậm chí 50% mới hợp lý.
Sự bất cập của thuế TNCN nóng lên khi Bộ Tài chính có văn bản gửi Đoàn ĐBQH TP HCM trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ Tài chính, quy định của luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức GTGC, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định...; số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Bộ Tài chính dẫn báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.
Bộ này lý giải: Mức GTGC cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 - 1 lần), đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
"Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cũng chưa phải nộp thuế TNCN", Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ Tài chính lý giải rằng, tại khoản 4 điều 1 luật Thuế TNCN quy định: "Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo".
Bộ Tài chính dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2020 tăng 3,23%; CPI năm 2021 tăng 1,84%; CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. "Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất (năm 2020). Do đó, theo quy định của luật Thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức GTGC.
Lý giải này của Bộ Tài chính là không thỏa đáng, vì không cần quy định ngưỡng CPI biến động trên 20% thì mới xem xét điều chỉnh mức đóng thuế TNCN, bởi mức lạm phát 5% của năm nay khác với lạm phát 5% của năm sau, không đồng mẫu. Vì vậy, nếu cộng với nhau là điều vô lý.
Điểm nghẽn của cơ chế
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhiều lần khẳng định: Bộ Tài chính làm đúng luật, chưa thể sửa đổi Luật Thuế TNCN vì đã đưa Luật Thuế TNCN vào chương trình xây dựng luật và pháp luật. Theo đó tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2025, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế TNCN (sửa đổi) sau đó dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin thêm: Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế TNCN vào kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026.
"Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định làm ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026, thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến ĐBQH, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp. Có nên đưa ra quy định CPI phải trên 20% hay không thì lúc đó chúng ta sẽ bàn" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu.
Nếu vậy, phải 2 năm sau mới có thể sửa đổi luật này và người dân phải chịu đóng thuế TNCN một cách bất hợp lý kéo dài. Đây là điểm nghẽn do cơ chế, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Cơ chế là do ai tạo ra, tại sao không thể gỡ điểm nghẽn này?
Chính Bộ Tài chính cũng công nhận Luật Thuế TNCN đã phát sinh một số bất cập, cần được nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp. Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành là 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc, được áp dụng từ năm 2020 đến nay, cần được rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới.
"Mức GTGC cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư...” – Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính cũng nhận thấy, thời gian qua có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu cho phép người nộp thuế được trừ một số khoản chi trong năm ở mức độ phù hợp như các khoản chi phí về y tế, giáo dục trước khi tính thuế; đồng thời biểu thuế lũy tiến từng phần cũng sẽ giảm xuống so với mức 7 bậc như hiện nay..
Thực tế các nước như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia... cho phép giảm trừ các khoản chi phí về y tế, chi giáo dục cho con, các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp...
Tại Mỹ chẳng hạn, chính phủ đánh thuế dựa trên cơ sở lấy thu nhập trừ đi chi tiêu hợp lý, kể cả các chi tiêu về đào tạo, về nâng cao kỹ năng lao động cũng như là các chi tiêu khác. Như vậy nếu mà những người có thu nhập đi mua ô tô, mua nhà, mua đồ tiêu dùng... để sử dụng trong đời sống thì có nghĩa là họ càng ít phải nộp thuế. Đó cũng là cách khuyến khích những người tài, những người tạo ra thu nhập rất cao, những người đã đầu tư, sản xuất kinh doanh giỏi, để từ đó họ ra công ăn việc làm, tạo ra đóng góp cho xã hội lớn hơn.
Từ thực tiễn đó, có ý kiến cho rằng, thay vì áp dụng mức GTGC cố định như hiện nay, cần có quy định cho phép người nộp thuế TNCN được trừ các khoản chi phục vụ trực tiếp cho công việc nếu có hóa đơn chứng từ, như chi phí tham gia nâng cao nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, học ngoại ngữ, khám chữa bệnh, thuê nhà...
Tương tự, với người phụ thuộc, cũng cần cho trừ những khoản như học phí, khám chữa bệnh cho con bên cạnh khoản giảm trừ cố định.
Luật Thuế TNCN được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 đến nay đã được sửa đổi 3 lần. Tuy nhiên trên thực tế, một số quy định của luật không còn phù hợp với thực tiễn, thậm chí lạc hậu. Đặc biệt là mức GTGC và người phụ thuộc khi xác định thuế TNCN đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Đó là lý do cần một dự án Luật Thuế TNCN (thay thế) với những điều khoản phù hợp với thực tiễn để luật trở thành động lực nhằm thúc đẩy người dân làm ra tiền, tiêu tiền và để điều tiết cho xã hội.
Xác định mục tiêu của thuế thu nhập cá nhân Mục tiêu của thuế TNCN là để nhằm điều hòa thu nhập giữa những người có thu nhập cao với những người có thu nhập thấp. Chính sách điều hòa này cũng nhằm thúc đẩy việc tạo ra tiền thu nhập, rồi mang tiền đó vào tiêu dùng. Người nào tạo ra thu nhập, có thu nhập cao, tiêu dùng không hết, phần dư ra thì sẽ thuộc đối tượng phải chịu điều tiết. Mục tiêu để khuyến khích tăng tiêu dùng lên; thứ hai là dùng phần điều tiết thuế đấy để đưa vào trong ngân sách bù trừ cho các hoạt động xã hội khác. Bởi vì nếu chúng ta cứ sản xuất xong rồi tiền lại tích trữ lại, không tiêu dùng, thì sau đó xã hội cũng không phát triển được. Do đó, mục tiêu cơ bản của thuế thu nhập cá nhân là để điều tiết, điều chỉnh, điều hòa giữa những người có thu nhập cao với những nhóm thu nhập thấp. |