Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Tinh thần của Nghị quyết là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP năm 2030, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vươn lên.
Điểm nghẽn về thể chế
Tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) đã nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế khi triển khai CMCN 4.0. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá năm 2018 đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia...
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết những vướng mắc đang cản trở Hà Nội trong việc triển khai Chính phủ điện tử là khuôn khổ pháp lý vừa thiếu và chưa đồng bộ.
Đồng thời, để ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, bộ ngành phải xây dựng phần mềm ứng dụng cho các địa phương thực hiện, chứ mỗi địa phương tự làm vừa gây lãng phí, vừa không kết nối được.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá việc triển khai Chính phủ điện tử, đô thị thông minh đang theo hướng “trăm hoa đua nở”, nhất là Chính phủ điện tử. “Trăm hoa đua nở” có sự tích cực là nhiều kinh nghiệm hay nhưng dẫn đến câu chuyện đến khi phải kết nối, phải đi xa cho bài bản lại tắc nghẽn.
Do vậy, cần phải coi phát triển Chính phủ điện tử và đô thị thông minh dựa trên mục tiêu kép là “hiệu quả” và tạo ra DN CNTT mạnh để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, từ đó vươn ra toàn cầu.
Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Lê Đăng Dũng chia sẻ hạ tầng viễn thông là nền tảng cho chuyển đổi số của CMCN 4.0. Việt Nam cần xây dựng hạ tầng viễn thông đi trước một bước, qua đó có đầy đủ điều kiện pháp lý để xây dựng mạng 4G và 5G như giấy phép thiết lập mạng, tần số vô tuyến, giấy phép xây dựng hạ tầng thụ động. Cơ quan chức năng cần phải cấp phép nhanh, kịp thời, không nên đặt nặng thu ngân sách, cũng như cân đối giữa các DN theo nguyên tắc DN nào mạnh đi trước, tiếp đó hỗ trợ những DN nhỏ đi sau.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng kiến nghị tạo cơ chế cho DN nhà nước thực hiện đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa chấp nhận mạo hiểm, chứ không phải phức tạp như bây giờ.
Tổng Giám đốc Be Group Trần Thanh Hải kiến nghị Chính phủ cần có chính sách kích thích đầu tư, cụ thể vào các lĩnh vực cơ sở dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo, có nguồn lực, nền tảng công nghệ vững chắc. Bên cạnh đó, triển khai cơ chế thử nghiệm sandbox nhưng cần khống chế thời gian và thị phần nhất định để tránh việc đơn vị thử nghiệm tạo ra bất bình đẳng, tạo thế độc quyền trong kinh doanh.
Đại diện Be Group cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành Nghị định 86 trong vận tải để cân bằng giữa mô hình kinh doanh cũ và mới.
Trước những vướng mắc về chính sách, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh cần nhanh chóng đưa Nghị quyết 52 vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc CMCN 4.0.
Kinh tế số sẽ chiếm tới 30% GDP vào năm 2030
Doanh nghiệp là hạt nhân
“Hiện có ý kiến vẫn tự ti cho rằng CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của ai đó, không phải của riêng chúng ta, cũng có tư tưởng cho rằng Việt Nam hãy làm tốt cách mạng 0.4 đi cớ gì phải làm 4.0... Vì vậy, Nghị quyết của Đảng ra đời lúc này là rất đúng lúc, định hình và xác định lại tư tưởng để nắm bắt cơ hội CMCN 4.0”, ông Bình chia sẻ.
Mặt khác, để Việt Nam không bỏ lỡ, ngoài những nỗ lực tự thân, Việt Nam cần sự giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ của các nước cũng như các DN quốc tế. Với tinh thần xác định “nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, Việt Nam mong muốn được mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc CMCN 4.0.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Việt Nam cần một nguồn lực to lớn, một kế hoạch hành động hiệu quả, thiết thực; cần có sự tham gia của cả xã hội, nhất là các DN và sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế.
Trả lời câu hỏi Việt Nam phải làm gì trong thời gian tới? Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng kể cả không có CMCN 4.0, suy cho cùng chúng ta cũng phải quyết tâm thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Làm được điều này, chúng ta sẽ đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.
Bên cạnh đó, điểm quan trọng nhất của CMCN 4.0 là con người. CMCN 4.0 diễn biến khó lường, ngày hôm nay dự kiến thay đổi mô hình kinh doanh mới nhưng ngày mai những dự báo này chưa chắc đã đúng. Do vậy, cần con người sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh rủi ro, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi khó lường.
Vậy, ai là hạt nhân quá trình chuyển đổi số? Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đó là DN công nghệ số, DN CNTT. Việt Nam cần hàng trăm DN CNTT hoạt động ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy “Make in Vietnam”, hình thành các DN công nghệ số Việt Nam, từ đây đi ra toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ vượt lên thành nước phát triển. Trong chuyển đổi số, cách mạng chính sách thể chế nhiều hơn về công nghệ. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng phải đi nhanh, đi đầu. Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số Chính phủ, chuyển đổi số DN và chuyển đổi số xã hội. Muốn đi nhanh thì Chính phủ phải đi đầu”.
Lê Thúy