Một câu hỏi đã và đang nhận được quan tâm bởi nhiều các nhà hoạch định và thực thi chính sách, đó là “Vì sao ngành mía đường có 15 năm chuẩn bị trước khi hội nhập nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện Hiệp định ATIGA? Làm thế nào để tăng cường năng lực cạnh tranh và bảo vệ được ngành mía đường của Việt Nam - ngành đang tạo việc làm cho khoảng 35.000 lao động công nghiệp và 1,5 triệu lao động nông nghiệp?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội:
Trong việc kinh doanh mía đường thì hạ tầng thương mại cũng cần đề cập đến ở chỗ: Hệ thống các chợ đầu mối và các sàn giao dịch nông sản thực phẩm chưa được hình thành một cách cơ bản ở thị trường Việt Nam, cho nên mặt hàng đường cũng có thể đang bị ép cấp, ép giá, mua bán phải thông qua thương lái và qua nhiều khâu trung gian, không phản ánh đúng giá trị của sức lao động bỏ ra của người nông dân và chi phí sản xuất đường của nhà máy.
Do vậy, trước hết chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu mía, đi đôi với việc xây dựng các cụm công nghiệp sản xuất mía liền kề, tạo sự gắn kết giữa vùng nguyên liệu và nhà máy một cách chặt chẽ có kế hoạch, lợi nhuận được phân phối một cách hợp lý giữa người trồng mía và nhà máy chế biến đường, không ép nhau và không phá vỡ hợp đồng từ 2 phía như trước đây.
Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật , đầu tư đổi mới công nghệ của các vùng mía và các nhà máy chế biến đường để tạo ra những vùng sản xuất lớn và những tổ hợp sản xuất đường ngày càng hiện đại.
Kiểm soát chống buôn lậu gian lận thương mại, trốn thuế, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có chính sách khuyến khích thỏa đáng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực mía đường để phát triển một cách bền vững.
Làm được những vấn đề trên chúng ta tin chắc rằng trong 5-10 năm tới mặt hàng đường của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh ngay ở sân nhà và từng bước vươn ra xuất khẩu một cách vững chắc.
TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:
Đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng. Cả khâu đầu tư gieo trồng lẫn chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt.
Hiện nay, nhiều nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất quá thấp, chỉ đạt 50 tấn/ha, trong khi ở nhiều nước lên đến 100 tấn/ha. Nếu các doanh nghiệp mía đường Việt không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó sống do không thể cạnh tranh.
Hội nhập là điều tất yếu. Chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế, phải chấp nhận cạnh tranh để phát triển. Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên. Trong thời gian qua, không phải tất cả các nhà máy mía đường đều bị lao đao, khó khăn như nhau. Có doanh nghiệp khó khăn nhiều, có doanh nghiệp khó khăn ít hơn. Những doanh nghiệp nào mạnh mẽ đổi mới, mạnh mẽ tìm giải pháp thích nghi sẽ có cách để “sống sót”, thậm chí là “sống tốt” còn những trường hợp họ vẫn thụ động với thị trường nhiều biến đổi thì cần thiết phải có một cuộc đào thải. Sẽ có những doanh nghiệp mạnh mua lại những doanh nghiệp yếu để đầu tư bài bản. Chúng ta cần có một số nhà máy then chốt, năng suất cao, vùng mía tập trung ở một số khu vực. Cạnh tranh dẫn đến phá sản là điều phải chấp nhận trong kinh tế thị trường, song phá sản không phải là “ngày tận thế” mà phá sản là sự “tàn phá sáng tạo” vì lao động, máy móc vẫn còn, một người chủ mới sẽ đầu tư công nghệ mới và “từ đống tro tàn sẽ có một con phượng hoàng bay lên”.
Cơ hội phát triển mía đường nội địa vẫn luôn rộng mở nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn. Đặc biệt, năm 2020, ngành mía đường thế giới được dự báo là đi xuống trong khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá đường có thể tăng lên. Cơ hội phát triển ngành đường còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật…
Mặt khác, cần tăng cường đầu tư, có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung. Đối với cơ quan quản lý, cần nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tăng cường liên kết nông dân và doanh nghiệp chế biến. Xem xét phê duyệt giá điện được sản xuất từ bã mía một cách phù hợp.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh:
Trong thời gian tới đây, để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của ngành mía đường Việt Nam trong cạnh tranh bình đẳng theo ATIGA, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các hộ nông dân trồng mía cần phải nỗ lực rất cao trong việc tự đổi mới, tự thay đổi.
Cần thành lập các chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất đường với các hợp tác xã và các hộ nông dân. Trong các hợp đồng kinh tế phải quy định rõ ràng trách nhiệm cụ thể, tỉ mỉ trong việc cung cấp, hỗ trợ giống mía tốt, quy trình chăm sóc phù hợp và việc cung cấp phân bón, cung cấp các dịch vụ của các chủ thể, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng của các chủ thể.
Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ nông dân phù hợp với các quy định của các tổ chức quốc tế và các hiệp định liên quan. Tại Việt Nam, theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để mua máy móc, phương tiện...lên đến 100% giá trị trang thiết bị. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn thông qua chính sách này rất khó khăn do vướng nhiều thủ tục, quy định...
Chính phủ cần hỗ trợ ngành mía đường trong việc tìm kiếm các giống mía mới phù hợp thổ nhưỡng của từng địa phương, đẩy năng suất cây mía từ 66 tấn lên 80 - 100 tấn. Trên cơ sở đó hạ giá thành sản phẩm đường để tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng đường mía. Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để sử dụng có hiệu quả các sản phẩm phụ như rỉ đường, bã mía…nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh mía đường. Các sản phẩm phụ như bã mía, là nguồn tài nguyên rất tốt để tiếp tục quá trình sản xuất tuần hoàn, sản xuất xanh, khoảng trên nửa triệu tấn rỉ đường hiện chủ yếu dùng sản xuất thức ăn gia súc và khoảng nửa triệu tấn bùn và xỉ cũng đang chưa được nghiên cứu tận dụng tốt.
Các cơ quan chức năng của Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề ngăn chặn buôn lậu đường qua biên giới, kiểm tra, kiểm soát kỹ tình trạng gian lận thương mại. Đồng thời, cần ngăn chặn tình trạng nhiều doanh nghiệp tận dụng kẽ hở pháp luật để đưa đường thô, đường tinh luyện nhập khẩu vào tiêu thụ trong nước. Với việc tạm nhập nhưng không tái xuất, bán ngay ở thị trường trong nước sẽ gây phương hại lớn đến ngành sản xuất đường nội địa.
Trên đây, là những giải pháp của các chuyên gia kinh tế. Như vậy, theo góc nhìn của các chuyên gia kinh tế: cơ hội phát triển mía đường nội địa vẫn luôn rộng mở nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn. Cùng với sự nỗ lực của các chủ thể trong ngành sản xuất mía đường, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng, hy vọng ngành mía đường Việt Nam sớm vượt qua giai đoạn khó khăn do hội nhập ATIGA, trở thành một ngành sản xuất lớn, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu cùng đất nước.
Trang Nhung