![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng |
Theo số liệu thống kê, mặc dù số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục gia tăng, nhưng tỷ lệ tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ chiếm vỏn vẹn 0,5%.
Phát biểu tại Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" sáng 28/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Năm 2024 là một năm thành công đối với nền kinh tế và thị trường vốn, với tổng giá trị vốn huy động đạt gần 930.000 tỷ đồng – tăng 30% so với năm 2023 và chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Cùng năm, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt mức 62,5% GDP, trong khi dư nợ thị trường trái phiếu chiếm 31,5% GDP. Nhà đầu tư nước ngoài mở gần 48.000 tài khoản, với tổng giá trị giao dịch lên đến 1,1 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong năm đạt 25,4 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả tích cực này góp phần giúp GDP tăng trưởng 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ USD, xếp hạng thứ 33 trên thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, dù đạt nhiều thành tựu, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.
Về hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán, đến cuối năm 2024, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ chỉ tương đương 1,2% vốn hóa thị trường chứng khoán; tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ cũng chỉ đạt 3,4% tổng tài sản của các tổ chức tín dụng. Sự chênh lệch này cho thấy hoạt động của các quỹ đầu tư hiện vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Đối với lĩnh vực FDI, bên cạnh kết quả tích cực, các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn phản ánh một số bất cập trong khâu thực thi, như các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, thủ tục hành chính và quản lý ngoại hối.
Thông tin đến cộng đồng nhà đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định Đảng và Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông mọi nguồn lực nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025. Đây sẽ là nền tảng để hướng đến tăng trưởng hai con số trong tương lai, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài các giải pháp cải cách bộ máy hành chính, Việt Nam sẽ chú trọng huy động nguồn lực từ cả trong và ngoài nước, đặc biệt thông qua các quỹ đầu tư và vốn FDI.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp khách quan, đa chiều từ cộng đồng nhà đầu tư nhằm xây dựng những giải pháp hiệu quả, phát triển hệ thống quỹ đầu tư, qua đó thu hút thêm nguồn lực phục vụ phát triển.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, khuyến khích chuyển dịch đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường và có khả năng liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước – từ đó tạo ra tác động lan tỏa tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.