Bài liên quan |
Doanh nghiệp lĩnh vực chứng khoán làm ăn ra sao trong quý III? |
Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi ba nghị định quan trọng trong lĩnh vực chứng khoán |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và các nghị định liên quan nhằm tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Động thái này phản ánh nỗ lực siết chặt quản lý, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trên thị trường tài chính.
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là đề xuất nâng mức xử phạt đối với các vi phạm có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng như quyền lợi của nhà đầu tư. Các hành vi vi phạm về chào bán riêng lẻ, giao dịch ký quỹ, hành vi của người hành nghề chứng khoán sẽ chịu mức phạt cao hơn để tăng tính răn đe. Đồng thời, các vi phạm liên quan đến giấy phép kinh doanh chứng khoán, hoạt động kinh doanh, dịch vụ yêu cầu báo cáo hoặc chấp thuận trước khi thực hiện cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc nhằm đảm bảo các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tuân thủ đầy đủ quy định.
![]() |
Bộ Tài chính đề xuất tăng mạnh mức phạt với vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán |
Bên cạnh việc tăng mức phạt tiền, Bộ Tài chính cũng đề xuất nâng thời hạn đình chỉ giao dịch có thời hạn đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, hành vi cho mượn tài khoản dẫn đến thao túng thị trường sẽ bị đình chỉ với thời hạn tối đa theo quy định xử phạt hành chính. Các vi phạm về báo cáo giao dịch của cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan với khối lượng lớn cũng có thể bị đình chỉ giao dịch tối đa nếu vi phạm có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên. Đặc biệt, các hành vi lạm dụng tài sản của khách hàng như cho mượn tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng hoặc sử dụng tài sản này để cầm cố sẽ bị đình chỉ hoạt động nghiệp vụ môi giới chứng khoán có thời hạn.
Dự thảo cũng phân tách hành vi vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành một mục riêng, do đặc thù về quy định và mức độ tác động của loại chứng khoán này. Các biện pháp xử phạt được điều chỉnh nhằm phản ánh chính xác mức độ vi phạm, với các quy định cụ thể về vi phạm trong hoạt động chào bán, công bố thông tin, đăng ký giao dịch và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ tăng từ 1-1,5 tỷ đồng lên 2-2,5 tỷ đồng, áp dụng cho các hành vi nghiêm trọng như làm giả giấy tờ, xác nhận thông tin giả mạo nhằm chứng minh đủ điều kiện chào bán, phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ.