Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2025 nhằm hướng dẫn việc xác định, lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ.
![]() |
Bộ Tài chính đề xuất cơ chế tài chính hỗ trợ viên chức nghỉ hưu sớm. |
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là đề xuất hỗ trợ về nguồn kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt trong trường hợp viên chức, người lao động nghỉ hưu hoặc thôi việc sớm.
Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc cả chi thường xuyên và đầu tư (nhóm 1 và nhóm 2) nếu không đủ kinh phí để chi trả chế độ, chính sách cho người lao động sẽ được phép sử dụng các quỹ nội bộ theo thứ tự ưu tiên: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi. Ngoài ra, còn có thể sử dụng phần còn dư từ nguồn cải cách tiền lương và các nguồn thu hợp pháp khác.
Đối với các đơn vị mới thành lập do sáp nhập, hợp nhất, Bộ Tài chính đề nghị xây dựng lại phương án tự chủ tài chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong thời gian chờ phê duyệt, nếu phát sinh nhu cầu chi trả chế độ mà không đủ kinh phí sau khi đã sử dụng các nguồn trên, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ phần thiếu hụt này trong phạm vi số lượng lao động hưởng lương từ ngân sách được giao.
Tương tự, các cơ quan, đơn vị từng hoạt động theo các nghị quyết, quyết định riêng biệt, khi được sáp nhập vào đơn vị sự nghiệp công lập, cũng sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho phần nhân sự thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách trước khi sáp nhập.
Dự thảo cũng đề cập đến việc điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến bảo lưu lương hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm cho các cán bộ, công chức, viên chức không còn giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức.