Dự thảo bổ sung “Điều 41a. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng” như sau: Thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng (viết tắt là thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng) thực hiện theo quy định tại Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.
Về xác định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong một số trường hợp: Đối với dự án có nhiều công trình với loại và cấp công trình khác nhau thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được xác định theo công trình có cấp cao nhất của dự án.
Khi điều chỉnh thiết kế xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo công trình làm thay đổi cấp của công trình thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được xác định theo cấp của công trình sau điều chỉnh thiết kế hoặc công trình sửa chữa, cải tạo.
UBND cấp tỉnh quy định về phân cấp, ủy quyền về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.
Bên cạnh đó, Dự thảo đề xuất bổ sung “Điều 104a. Điều chỉnh giấy phép hoạt động xây dựng”. Cụ thể, sau khi được cấp giấy phép hoạt động xây dựng, nếu có những thay đổi về tên, địa chỉ của nhà thầu, thay đổi về thành viên trong liên danh nhà thầu hoặc nhà thầu phụ hoặc các nội dung khác đã ghi trong giấy phép hoạt động xây dựng được cấp, nhà thầu nước ngoài phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng để được xem xét điều chỉnh giấy phép hoạt động xây dựng đã cấp. Giấy phép điều chỉnh hoạt động xây dựng được quy định theo mẫu số 7 Phụ lục III Nghị định này.
Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động xây dựng gồm: Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động xây dựng; các tài liệu chứng minh cho những nội dung đề nghị điều chỉnh. Các tài liệu phải được dịch ra tiếng Việt và được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thời gian điều chỉnh giấy phép hoạt động xây dựng được thực hiện trong 20 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng được quy định như sau:
Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức kiểm tra đối với lĩnh vực xây dựng trên phạm vi cả nước. Các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện việc kiểm tra đối với lĩnh vực được phân công.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra việc thực hiện pháp luật đối với lĩnh vực xây dựng trong phạm vi địa bàn quản lý của mình; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra trong lĩnh vực xây dựng đối với các trường hợp quy định nêu trên hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có chức năng tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch - kiến trúc giúp Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện việc kiểm tra.
Kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực xây dựng được thực hiện định kỳ hàng năm hoặc đột xuất.
PV