Trong các chỉ tiêu về kinh tế, tỉnh Bình Dương không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nên những động lực mới, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế (GRDP) với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 14 - 15%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt từ 210 triệu đồng đến 215 triệu đồng vào năm 2025. Thu ngân sách tăng 8%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33-34% GRDP. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ đô la Mỹ.
Về chỉ tiêu xã hội, vấn đề về dân sinh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85% năm 2025, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 2,5%. Diện tích nhà ở bình quân đạt 31,5m2/người.
Bên cạnh các chỉ tiêu về môi trường thì vấn đề phát triển đô thị được Bình Dương đẩy mạnh; Tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 70%. Tỷ lệ bến đỗ, nhà ga có cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực đạt 50%. Tỷ lệ dân cư có bệnh án điện tử đạt 50%; 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng ICT; 70% các điểm công cộng được lắp đặt hệ thống giám sát an ninh; 100% các sở ngành xây dựng danh mục tài nguyên thông tin và thực hiện chia sẻ.
Giáo dục quốc phòng an ninh cho các đối tượng hàng năm đạt từ 90% trở lên. Tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu, tỷ lệ đảng viên chính thức nhập ngũ đạt 1% trở lên. Lực lượng dân quân tự vệ toàn tỉnh đạt tỷ lệ 1,28% so với dân số. Trong đó, lực lượng dự bị động viên đạt từ 95 – 100% theo chỉ tiêu được giao. Đồng thời, xây dựng từ 1 - 2 công trình lưỡng dụng trong căn cứ chiến đấu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, hàng năm phấn đấu kiềm chế, kéo giảm từ 3 - 5% số vụ phạm pháp hình sự. Tiếp tục kiềm chế, kéo giảm giao thông trên cả 03 tiêu chí làm giảm số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy nổ, kéo giảm số vụ cháy nổ lớn.
Mặt khác, tăng cường xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu hàng năm có từ 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đến cuối nhiệm kỳ phát triển được 9.500 đảng viên mới.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao tương xứng với phát triển công nghiệp và đô thị; tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tập trung xây dựng đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Tiềm lực khoa học và công nghệ được đầu tư và ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Đây được xem là những điều kiện rất thuận lợi để khoa học và công nghệ khẳng định rõ hơn vai trò là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, luôn quán triệt và thực hiện nhất quán, xuyên suốt có hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh; mô hình, phong trào trong nhân dân về bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được củng cố, nhân rộng và phát huy hiệu quả. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, các mối quan hệ hợp tác khu vực, quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và động xuất nhập khẩu.
Tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và các cơ quan tư pháp tiếp tục được củng cố, kiện toàn; chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được thực hiện quyết liệt, nhất là trong các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, đầu tư,... Chỉ số về cải cách hành chính, PCI được cải thiện về chất lượng qua từng năm. Tỷ lệ thủ tục hành chính được chuẩn hóa theo quy trình ISO đạt mức cao; cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai toàn diện, cơ bản đồng bộ ở các cấp.
Sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố. Công tác dân vận ngày càng đi vào chiều sâu; lòng tin, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng được củng cố; tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của người dân thông qua đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở; thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và của nhân dân, góp phần vào thành tựu chung của tỉnh nhà.
Định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2025 đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định là: “Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát đã nêu, trong 05 năm tới, Đảng bộ tỉnh thực hiện một số chương trình đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên. Thứ hai, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Thứ ba, tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Thứ tư, tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Tăng cường xây dựng, củng cố vững chắc quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, đồng thời huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để mở rộng kết nối vùng, khu vực, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nghiên cứu và chủ động đề xuất với Trung ương triển khai đầu tư tuyến đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách; huy động các nguồn lực từng bước phát triển hệ thống giao thông đường thủy, gắn với hạ tầng Logistic…
Quan tâm và chú trọng đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là về giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở, các thiết chế văn hóa phục vụ cho người dân và công nhân lao động. Song song đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị.
Thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế, gắn với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự. Tăng cường công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động ngăn chặn từ xa, từ sớm và xử lý kịp thời những yếu tố có nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh.
Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh đúng luật định, dân chủ, an toàn, tiết kiệm. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hoàng Thu