Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đang tìm cách tăng cường đầu tư cho các dự án giao thông trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng kết nối vùng. Cụ thể, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cấp cho tỉnh cơ chế vay 10.000 tỉ đồng để đầu tư vào các dự án giao thông liên kết vùng.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, đã nêu vấn đề này trong Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ vào ngày 10/8, với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Bình Dương hiện đang tập trung vào việc triển khai các công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi cắt giảm hoặc hoãn các dự án không cần thiết, tỉnh vẫn còn thiếu khoảng 10.000 tỉ đồng.
Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủng hộ cho tỉnh cơ chế được vay 10.000 tỉ đồng để tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm như đã đề xuất. Tỉnh sẽ bố trí vốn hoàn trả hàng năm đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo.
Về công tác triển khai đầu tư các dự án giao thông kết nối vùng, tỉnh cũng đã có một số kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong vùng quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các nội dung đã được thống nhất, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng.
Cụ thể, bổ sung hạng mục cho dự án Vành đai 3 với đề xuất đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn với tổng kinh phí khoảng 1.700 tỉ đồng và đầu tư thêm 2 cầu trên đường song hành tại cầu Bình Gởi với kinh phí khoảng 334 tỉ đồng/cầu, sử dụng từ nguồn vốn dự phòng của dự án.
Về đầu tư tuyến đường sắt đô thị thực hiện dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương (gọi tắt là BRT) bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản trên tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn với vốn vay ODA 1.340 tỉ đồng, vốn đối ứng 720 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, qua đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các dự án BRT trên địa bàn cả nước, định hướng quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh và qua trao đổi với các chuyên gia của Nhật Bản, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc nghiên cứu phương án phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) để kết nối các TOD (Transit Oriented Development) trong nội tỉnh, đáp ứng nhu cầu di chuyển của hơn 5 triệu dân.
Riêng tuyến đường sắt đô thị (Metro) từ trung tâm thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên với tổng chiều dài khoảng 34km, kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) của TP. HCM đã có đơn vị đề xuất tài trợ sản phẩm là báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Tỉnh kiến nghị thống nhất chủ trương cho chuyển vốn vay ODA từ dự án BRT sang nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt nhẹ (LRT), đồng thời hỗ trợ tỉnh trong việc thực hiện các hồ sơ thủ tục đối với tuyến đường sắt đô thị (Metro) từ trung tâm thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) của TP. HCM.
Vân Nguyễn