Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Bến Tre, với hơn 90% trong số đó có vốn đăng ký dưới 1 tỷ đồng và chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất như nông-lâm nghiệp-thủy sản, công nghiệp và xây dựng còn khá ít ỏi.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu tại buổi Cà phê doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp (tháng 4 năm 2024). |
Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, do Trung ương và tỉnh Bến Tre ban hành trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, với Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre luôn duy trì vị trí tốt trong suốt 10 năm qua, đứng thứ 8 toàn quốc và thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2023.
Trong giai đoạn 2017-2023, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tại Bến Tre tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức trung bình 14,68% mỗi năm, vượt xa tỷ lệ 9,68% của giai đoạn 2010-2016. Nhờ vào những nỗ lực mạnh mẽ từ chính quyền tỉnh trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Bến Tre vẫn còn một số hạn chế. Cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, hệ thống luật pháp thiếu đồng bộ, và nguồn lực hỗ trợ của tỉnh còn hạn chế. Ngoài ra, các chính sách hiện tại chưa đủ hấp dẫn và thiếu các cơ chế hỗ trợ dài hạn, làm giảm hiệu quả thực tế đối với doanh nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DNNVV, tỉnh Bến Tre tập trung vào một số giải pháp trọng yếu. Trước hết, việc đào tạo và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cần được chú trọng, với các khóa học chuyên sâu về quản trị, pháp lý và thị trường, tổ chức phối hợp với các trường đào tạo uy tín và các doanh nhân thành công.
Cung cấp thông tin miễn phí về các thủ tục hành chính, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp về các quy trình pháp lý, thủ tục đất đai, môi trường, xây dựng và các lĩnh vực khác. Đặc biệt, việc cải thiện các thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Tăng cường hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DNNVV, nhất là từ ngân sách Trung ương và địa phương. Các đề án hỗ trợ doanh nghiệp rõ ràng, có định mức cụ thể, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng, Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp của tỉnh và các nguồn vốn khác.
Ưu tiên tạo điều kiện cho DNNVV thuê mặt bằng sản xuất trong các khu công nghiệp, kèm theo các chính sách hỗ trợ giá thuê hợp lý. Đồng thời, các chi phí vận hành như điện, nước, và cước phí vận tải cần được kiểm soát ổn định để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Khẩn trương triển khai các kế hoạch phát triển nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, tạo ra những "doanh nghiệp đầu tàu" có khả năng kết nối và dẫn dắt các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, giúp các DNNVV mở rộng quy mô và phát triển bền vững.
Thời gian đến, để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ DNNVV, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường nguồn lực hỗ trợ, xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và phát triển xã hội.