Bài toán nâng cao công nghệ sau thu hoạch đối với hàng nông sản?

17:20 16/03/2022

Công nghệ sau thu hoạch là cầu nối giữa sản xuất nông nghiệp và thị trường. Nó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và khép kín chuỗi sản xuất nông nghiệp. Do vậy, bài toán nâng cao công nghệ sau thu hoạch cần được chú trọng hơn nữa.

Công nghệ là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ

Công nghệ sau thu hoạch là cầu nối giữa sản xuất nông nghiệp và thị trường. Nó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và khép kín chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Ở nước ta, phần lớn sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra tiêu thụ tại chỗ dạng tươi và xuất khẩu chủ yếu dạng nguyên liệu thô. Công nghệ chế biến chưa thực sự phát triển kịp đáp ứng nhu cầu. Do vậy, chỉ cần kế hoạch tiêu thụ bị thay đổi, thị trường gặp khó khăn sẽ dẫn đến nguy cơ sản phẩm hư hỏng, tổn thất, kinh doanh thua lỗ… và kêu gọi giải cứu.

Điển hình như gần đây, do dịch covid -19 hoành hành, hàng nông sản khó tiếp cận từ thị trường trong nước đến thị trường ngoài nước. Nhiều mặt hàng nông sản làm ra nhưng không thể tiêu thụ, bắt buộc phải bỏ đi hoặc bán với giá siêu rẻ khiến người nông dân lỗ nặng. 

Như vậy, nếu tiếp cận được với công nghệ tiên tiến trong khâu chế biến và bảo quản, mặt hàng nông sản sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn mà vẫn đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, sẽ giúp được người nông dân có đầu ra ổn định, thị trường có nguồn cung dồi dào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

 Những hạn chế công nghệ khiến nông sản hao hụt chất lượng

Trên thực tế, dù được coi là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu một số loại nông sản nhưng công nghệ ứng dụng sau thu hoạch còn yếu, các sản phẩm chế biến tinh chưa được khai thác hiệu quả. Do đó, phần lớn sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra tiêu thụ tại chỗ dạng tươi và xuất khẩu chủ yếu dạng nguyên liệu thô.

Từ một số nghiên cứu cho thấy, tổn thất sau thu hoạch nông sản ở nước ta hiện rất cao. Ví dụ đối với rau, quả tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch từ 25%-30%, lúa gạo xấp xỉ 14%... Tình trạng này do thời gian qua nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân chưa quan tâm đến việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, thiếu hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỷ lệ chế biến thấp.

Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế của chúng ta chưa tốt, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp ở trong nước tích cực tiếp cận công nghệ nội sinh mà chủ yếu muốn mua công nghệ nước ngoài. Cùng với đó, chúng ta còn có tư tưởng sản xuất nhỏ, không chú trọng đổi mới công nghệ dẫn đến sự chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Như vậy, muốn giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng hàng nông sản  cần kết hợp các giải pháp tổng hợp và đa ngành.
Đầu tiên, cần dữ liệu về tổn thất sau thu hoạch. Cần biết nơi xảy ra thất thoát và lãng phí trong hệ thống thực phẩm để phát triển các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng trong các lĩnh vực có tác động mạnh nhất.

Thứ hai, cần những giải pháp mang tính sáng tạo, bức phá. Đầu tư nghiên cứu, áp dụng, học hỏi các công nghệ tiên tiến của thế giới.

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành. Các giải pháp phối hợp quy mô lớn. Hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm mới có thể giữ được thị trường và mở rộng thị trường.

Đình Lợi