Bài toán khó cho kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học

22:48 28/06/2023

Trong bối cảnh khó khăn với sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều mạng truyền thông xã hội, việc phát triển kinh tế báo chí như thế nào để một cơ quan báo chí có nội dung tốt, tự chủ tài chính, đúng quy định pháp luật?

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2023".

Hội thảo
Hội thảo "Vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam". (Ảnh: Sưu tầm)

Hiện nay, trong hệ thống Liên hiệp Hội có 71 cơ quan báo chí, trong đó có 1 tờ báo. Do đó, nói về kinh tế báo chí chính là bàn về kinh tế của các tạp chí thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam và những thách thức khó khăn cần phải tháo gỡ.

Kinh tế báo chí là một ngành kinh tế khá đặc biệt. Những sản phẩm báo chí là một sản phẩm hàng hóa rất đặc biệt và nếu đặt trong cơ chế thị trường cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy luật của thị trường… Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động kinh tế đến đối tượng khách hàng.

Thời gian qua, báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội đã không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước. Tuy nhiên, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay là rất lớn, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí.

"Kinh tế báo chí, tự chủ tài chính là vấn đề đang rất “nóng”, một yêu cầu, xu thế phát triển nhưng cũng là khó khăn với các cơ quan báo chí trong đó có các tạp chí của Liên hiệp hội Việt Nam. Muốn tự chủ tài chính cần phải thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế báo chí. Đây là hoạt động thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi để tồn tại phát triển",PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết. 

Nếu cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa "kinh tế báo chí số". Thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, tác động mạnh tới doanh thu của các cơ quan báo, đài vì phần lớn báo chí dựa vào nguồn thu từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu. 

Việc xã hội hóa nội dung, xã hội hóa đối tượng độc giả khi đã có mong muốn thực hiện cần triển khai nội dung đúng với tinh thần xã hội hóa để đối tượng công chúng mà tạp chí muốn hướng đến thực sự thấy thông tin phù hợp với mình, chứ không phải mục tiêu thì có mà cách thực hiện lại không phù hợp. Việc đổi mới nội dung thông tin trên các sản phẩm báo chí cần đồng thời triển khai công tác phát hành hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần coi trọng chiến lược phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí, tạo cơ chế chính sách hợp lý để huy động nguồn lực tập thể. Tăng tính chủ động, sáng tạo và năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên trong tòa soạn báo chí. Xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí…

Linh Hà (TH)