5 đề xuất chính sách điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát

08:37 27/09/2022

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đề xuất chính sách nhằm cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách.

Trong 9 tháng năm 2022, kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi rất tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn. 

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, thách thức lớn nhất là cân bằng giữa mục tiêu ổn định vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát với các mục tiêu duy trì tăng trưởng.

Bất ổn địa chính trị toàn cầu, các quốc gia hiện thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất dẫn đến các khó khăn cho sản xuất lẫn tiêu dùng do đó có nguy cơ dẫn đến mất việc làm, giảm đầu tư và rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế.

Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tồn kho gia tăng.

TS. Nguyễn Quốc Việt cũng đề xuất một số chính sách điều hành để kiểm soát lạm phát và giảm áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm: ''Tôi cho rằng, thứ nhất, cần kiên trì thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cân nhắc có chọn lọc các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ các nhóm sản xuất hoặc người lao động gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Trong đó đặc biệt chú trọng rà soát và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các nhóm sản xuất và dịch vụ có tính đặc thù cao phụ thuộc vào giá nguyên phụ liệu đầu vào hoặc chi phí logistic tăng cao (ví dụ như đánh bắt thuỷ sản, giao thông vận tải công cộng, xuất khẩu nông – thuỷ sản).

Thứ hai, Chính phủ vẫn phải linh hoạt và kiên trì các chính sách vừa hỗ trợ kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững như các nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra. Với tình hình kiểm soát đã rất khả quan như những tháng vừa qua thì nên dần dần tiếp tục từng bước triển khai các nhóm giải pháp về chính sách bao gồm cả chính sách về tài khoá và tiền tệ mà đã có thể bị trì hoãn, do dự trong thời gian qua để tiếp tục hỗ trợ trong phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu dự báo cuối năm tình hình lạm phát có thể được kìm chế tốt, thì nên cân nhắc một số động thái nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng như nới room tín dụng và đặc biệt triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất theo đúng Nghị quyết của Chính phủ.

Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân qua đại dịch COVID-19 đã chứng tỏ sự linh hoạt và sức chống chịu, vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ trong và sau dịch COVID-19, với sự quay trở lại cũng như thành lập mới của hàng chục nghìn doanh nghiệp chắc chắn sẽ là động lực to lớn cho sự phục hồi sản xuất – kinh doanh và tăng trưởng những tháng cuối năm 2022.

Do vậy, để phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự lực và có khả năng hội nhập thì việc quan tâm và hỗ trợ, nhất là những hỗ trợ về vốn và tiếp cận thị trường (cả cung và cầu) cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nên là ưu tiên chính sách của nhà nước nhằm phục hồi tăng trưởng đồng thời góp phần ổn định thị trường, kìm chế lạm phát trong thời gian tới.

Trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, bằng chính sách mạnh mẽ phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghệ cao hay đơn giản nhất là rà soát cắt giảm thêm các sắc thuế/phí hoặc các gánh nặng thủ tục không cần thiết cho doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ và bình đẳng hơn nữa.

Thứ tư, khu vực kinh tế đối ngoại, nhất là khối sản xuất (chủ lực là công nghiệp chế biến – chế tạo với đầu tầu là các doanh nghiệp FDI) vẫn sẽ đóng vai trò chủ công đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm nay. Việc tiếp tục quan tâm giải quyết những vướng mắc về môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thiếu lao động hoặc các yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng là điểm cần lưu ý để hỗ trợ cho khu vực kinh tế đối ngoại và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối của năm 2022.

Thứ năm, công tác dự báo và đánh giá chính sách cần làm thường xuyên, đồng thời có sự công khai, minh bạch và kịp thời hơn nữa. Các ngành và các cấp cần thường xuyên cập nhật các chính sách và đặc biệt công bố các dữ liệu để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, tư vấn và phản biện chính sách cũng như báo chí có thể tham gia thực hiện đóng góp và dự báo tình hình kinh tế, đồng thời có những góp ý điều chỉnh kịp thời các chính sách nhằm vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa đảm bảo mục tiêu phát triển, phục hồi tăng trưởng bền vững trong năm 2022 và 2023 đúng như mục tiêu đạt ra trong Nghị quyết đầu năm của Quốc hội và Chính phủ.

Thanh Hà