TP HCM tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản

00:00 12/10/2020

Sáng 22/2, tại UBND TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn.

Hỗ trợ doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng

Dự kiến trong quý 1 này, TP HCM  sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, đồng thời cam kết là sẽ làm mọi cách để đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, tạo điều kiện để doanh nghiệp trên địa bàn làm ăn.

Phát biểu khai mạc hội nghị đối thoại với doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận từ năm 2000, bất động sản đã được xác định là ngành chủ đạo của thành phố, tuy có những thăng trầm nhưng bất động sản vẫn là lĩnh vực thu hút dòng tiền, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố.

Hội nghị đối thoại giữa UBND TP HCM với các doanh nghiệp bất động sản

Theo ông Phong, năm 2019, có 415.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó 15.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Xét về cơ cấu có 9.000 doanh nghiệp lớn, trong đó 30% doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tuy chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp lớn (có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng) lại chiếm 70% số vốn đăng ký kinh doanh.

Tuy vậy, năm 2019 ngành xây dựng chỉ tăng trưởng 1%. Tỉ trọng đóng góp cho GDP của ngành bất động sản thuộc hàng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ. "Chúng tôi biết được hầu hết doanh nghiệp đều khó khăn, giảm doanh thu, không đạt chỉ tiêu. Với tư cách là lãnh đạo thành phố, chúng tôi đã lắng nghe và muốn đồng hành, tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng trong thực tế đã có sự trì trệ trong thực thi pháp luật ở các sở, ngành", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Dự án Laimian City của HDTC đang bị đình trệ thời gian dài do vướng pháp lý

Chủ tịch UBND thành phố dẫn chứng năm 2019, thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được phê duyệt đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án được chấp thuận, giảm 64 dự án so với năm 2018. Nguyên nhân do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở đất đai chưa phù hợp, các dự án đang bị rà soát thủ tục pháp lý, chưa liên thông, chưa đồng bộ, đã gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp. Dẫn đến thất thu cho doanh nghiệp, giảm nguồn thu cho ngân sách.

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định thành phố luôn đồng hành và hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng tốt đẹp, xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ, bất động sản của cả nước. Đồng thời, tập trung phát triển doanh nghiệp đầu ngành thành những tập đoàn lớn để nâng cao tính cạnh tranh, đòi hỏi thành phố cần có cơ chế, chính sách đặc biệt đối với doanh nghiệp lớn. Đây là một trong những định hướng lớn trong thời gian tới.

Doanh nghiệp sẽ mệt vì quy trình '6 bước'

Mới đây, UBND TP.HCM có dự thảo báo cáo về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng... trong đó đưa ra quy trình 6 bước để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện một dự án bất động sản.Thế nhưng, các doanh nghiệp đều ngán ngẩm bởi nếu thực hiện đúng quy trình này, có thể mất 5 - 10 năm mới xong thủ tục một dự án.

Quy trình 6 bước đang làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn

Theo quy trình của UBND TP HCM đưa ra, để thực hiện một dự án bất động sản có đất hỗn hợp, doanh nghiệp phải trải qua 6 bước. Trong đó, bước 1 làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, bước 2 trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, bước 3 làm thủ tục giao thuê đất, bước 4 quy định doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, bước 5 mới được cấp “sổ đỏ” dự án, bước 6 doanh nghiệp mới được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.

Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát, nhận xét: Quy trình này là quá dài vì đến bước thứ 6 mới cho doanh nghiệp làm giấy phép xây dựng. Đặc biệt mới đến bước thứ 4 đã bắt doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất. Trong khi từ lúc nộp tiền sử dụng đất đến khi ra giấy phép xây dựng phải mất khá nhiều thời gian mà thời gian này doanh nghiệp không làm được gì khiến tiền tiếp tục “ngâm” trong đất. Thực tế, đến lúc này doanh nghiệp đã phải bỏ ra khá nhiều tiền để đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất… Những khoản tiền này cũng là tiền đi vay từ ngân hàng. Nếu dự án ngâm quá lâu sẽ khiến chi phí vốn đội lên và toàn bộ chi phí này tính vào giá thành, khách hàng là người gánh chịu cuối cùng.

Thủ tục hành chính kéo dài, nhiêu khê sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khiến dự án triển khai chậm chạp và đẩy giá nhà tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp đang chôn tiền trong đất do dự án không thể triển khai

Lãnh đạo một công ty bất động sản có dự án tại quận 7 cho biết, hiện nay vướng mắc lớn nhất là thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất vì bước này có thể mất 2 năm vẫn chưa xong. Điển hình như dự án của ông đến nay gần 2 năm thành phố vẫn chưa ra được thông báo đóng tiền sử dụng đất do các sở ngành không nơi nào dám đưa ra con số, vì thế doanh nghiệp không thể triển khai các bước tiếp theo để xin cấp phép xây dựng. “Quy trình 6 bước này do UBND thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư đưa ra. Quy trình này phụ thuộc nhiều vào bước tính tiền sử dụng đất, nhưng riêng tiền sử dụng đất phải mất ít nhất 2 năm. Như vậy một dự án triển khai nhanh nhất 3 năm cũng mới xong pháp lý. Tuy nhiên, với cách làm chậm chạp của các sở ngành như hiện nay có thể kéo dài đến 4, thậm chí 5 năm”, vị này lo lắng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), nếu nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 thì chưa phù hợp với quy định hiện hành. Hiện pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm này, mà chỉ quy định chủ đầu tư dự án nhà ở bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước (tiền sử dụng đất) trong 2 trường hợp: một là để làm thủ tục cấp sổ đỏ; hai để bán nhà, nền nhà hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Nếu nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 (riêng thời gian làm thủ tục phải mất trên dưới 2 năm hoặc lâu hơn), thì doanh nghiệp bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý... sẽ tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu. 

Cũng theo ông Châu, nếu đến bước 6 doanh nghiệp mới được công nhận chủ đầu tư, mới được thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và mới được thi công xây dựng các công trình của dự án (thời gian thi công mất trên dưới 2 năm mới đủ điều kiện huy động vốn) thì quy định này cũng không phù hợp với pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị. doanh nghiệp bị chôn vốn khoảng trên dưới 5 năm, làm tăng giá thành mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu./.

Kim Cường