Sáng ngày 22/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 35 Hùng Vương, quận Ba Đình, TP. Hà Nội diễn ra Hội nghị “Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững”. Sự kiện có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp, hội/hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi; một số tổ chức; các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Theo Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, chăn nuôi gia cầm là một nghề truyền thống lâu đời, không những giải quyết sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội nghị “Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững”. Ảnh: Hà Anh. |
Sau gần 40 năm đổi mới của đất nước, ngành gia cầm đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, sản lượng sản phẩm, giá trị sản xuất và trình độ công nghệ. Với sản lượng thịt gia cầm 2,4 triệu tấn, sản lượng trứng hơn 2 tỷ quả, được sản xuất vào năm 2024, không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam đang từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đến nay ngành gia cầm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức không nhỏ. Sự tăng trưởng của ngành, nhất là giá trị sản xuất có xu hướng giảm dần, thậm chí ngành hàng này bắt đầu rơi vào giai đoạn khủng khoảng. Trong đó có khủng hoảng về giá, thị trường, về mô hình phát triển và xa hơn là khủng hoảng niềm tin của doanh nghiệp về tương lai bất định.
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, theo nguồn AgroMonitor tổng hợp, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,8-6,1 triệu con giống gia cầm. Đồng thời xuất khẩu khoảng 4,6-5,1 ngàn tấn thịt gia cầm các loại.
Ngành gia cầm đang đứng trước cơ hội thuận lợi là thể chế hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, hội nhập, minh bạch; thị trường tiêu thụ tiềm năng; giá thức ăn chăn nuôi giảm. Đồng thời, quá trình hội nhập và thu hút đầu tư cũng như cơ hội tiếp cận công nghệ mới và quản trị đang thúc đẩy ngành gia cầm phát triển.
Tuy nhiên, ngành gia cầm đang phải đối mặt với khó khăn thách thức liên quan đến thói quen phân phối, tiêu dùng, nhỏ lẻ; dịch bệnh; phụ thuộc nguyên liệu đầu vào. Cùng đó, liên kết chuỗi giá trị ngành gia cầm còn quá ít, thống kê, dự báo cung - cầu còn yếu. Biến động thị trường, chiến tranh, cạnh tranh thương mại, biến đổi khí hậu đang tác động không nhỏ tới hoạt động chăn nuôi và kinh doanh.
![]() |
Hội nghị “Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững”. Ảnh: Hà Anh. |
Đại diện cho doanh nghiệp, bà Panadda Kongma - Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh, VNU Asia Pacific cho biết ILDEX Exhibitions là một phần của VIV Worldwide - mạng lưới kinh doanh toàn cầu kết nối các chuyên gia trong toàn bộ chuỗi giá trị từ thức ăn đến thực phẩm. Qua danh mục các triển lãm thương mại VIV, VNU Asia Pacific tổ chức các sự kiện hàng đầu trên toàn thế giới, bao gồm VIV Asia (triển lãm chăn nuôi lớn nhất châu Á) cùng với các triển lãm ILDEX tại Việt Nam, Indonesia và Philippines.
“Nhờ sự hỗ trợ từ kinh nghiệm toàn cầu và mạng lưới quốc tế vững chắc, chúng tôi hy vọng có thể góp phần nâng tầm ngành chăn nuôi và nông nghiệp Việt Nam lên sân chơi quốc tế, bắt đầu từ ILDEX Vietnam. Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác cùng các cơ quan đầu ngành của Việt Nam để cùng chung tay thúc đẩy sự pháttriển bền vững trong các ngành chăn nuôi và gia cầm”, bà Panadda Kongma nói.