Nông Cống (Thanh Hóa): Dân quanh năm “khát” nước sạch

00:00 12/10/2020

Đã bao đời nay, nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ở hai thôn Thổ Vị và Giá Mai của xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa luôn là vấn đề nan giải. Tình trạng “khát” nước sạch đã trở nên bức thiết, khiến người dân khốn khổ, song đến nay vẫn chưa được giải quyết.

 Nguồn nước bị ô nhiễm

Khát nguồn nước sạch là tình trạng chung của những hộ dân của hai thôn ở Tế Thắng. Bởi nguồn nước giếng khoan có màu vàng, có hộ màu đen, người dân chỉ giám sử dụng để tắm rửa còn để ăn uống thì phải dùng nước mưa hoặc mua nước đóng bình ở các cửa hàng tạp hóa. Có những gia đình khoan giếng đến 7,8 lần (mất cả 10 triệu đồng) nhưng vẫn không có nước. Hơn nữa xây một bể nước mưa cũng tốn kém, nhiều gia đình cũng không có điều kiện để xây. Rồi đến mùa khô hạn nước mưa cũng không còn để sử dụng. Đây là thực trạng chung của hàng nghìn hộ dân của xã Tế Thắng.

Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hợp, ở thôn 6, làng Thổ Vị, bà tâm sự: “Gia đình tôi từ xưa đến nay chỉ dử dụng nước giếng khoan để tắm giặt. Còn nước phục vụ ăn uống là nước mưa và chủ yếu là nước bình. Dù tốn kém nhưng vì lo cho sức khỏe nên gia đình tôi phải đành bỏ tiền mua để ăn uống chứ không biết thế nào. Vì nước giếng khoan không ăn được do bẩn, vàng khè và có cả những chất nhớt dính vào tay. Mặc dù chỉ dùng để  tắm rửa thôi nhưng gia đình tôi cũng đã phải lọc tới 2 lần. Làng chúng tôi sống ở đây có rất nhiều người bị ung thư, có nhà bị cả nhà có nhà bị cả hai vợ chồng. Chúng tôi nghi khả năng là do nguồn nước. Khi làng chúng tôi nghe thông báo trong nguồn nước giếng không đảm bảo là cả làng chuyển sang dùng nước mưa và nước bình. Gia đình chúng tôi cũng như nhiều hộ dân mong mỏi sẽ sớm có dự án nước sạch về với Tế Thắng để chúng tôi đỡ phải sống trong cảnh thiếu thốn, lo lắng và đợi chờ như hiện nay.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hợp thường xuyên phải mua nước bình đóng sẵn để dùng

Cô Đào Thị Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Tế Thắng cho biết: Hiện tại nhà trường đang cho các cháu ăn bán trú và sử dụng ăn uống hoàn toàn bằng nước mưa. Nhà trường có 4 bể nước mưa, mỗi bể chứa khoảng 20 – 30 m3 nước. Lượng nước mưa trong các bể được lọc thủ công qua cát, sỏi để ăn uống. Còn nước giếng khoan chỉ dùng để tắm rửa sau khi đã lọc qua hai cục lọc, bởi sau khi lọc nước vẫn có màu vàng. Mong muốn của nhà trường là sớm có nguồn nước sạch để việc sinh hoạt hàng ngày của cô trò được đảm bảo. Tôi được biết có dự án nước sạch đầu tư vào đây nhưng đợi lâu quá mà chưa thấy nước đâu, nên người dân nơi đây ai cũng sốt ruột.

Trường Mầm non xã Tế Thắng phải đầu tư nhiều  bể nước mưa để phục vụ ăn bán trú cho các cháu

Một bạn sinh viên Đại Học Hồng Đức (xin được giấu tên) tươi cười kể cho chúng tôi nghe: Sau kki ra thành phố học được một năm thì em trắng hẳn ra và da không còn bị viêm, rồi mẩn ngứa như khi ở nhà nữa. Quần áo cũng trắng và sạch hơn rất nhiều, đặc biệt là những cái áo màu trắng, nó trắng sạch tinh tươm và vải mền mại chứ không như lúc ở nhà. Em cũng như mọi người xung quanh ai cũng nhận thấy rất rõ điều đó. Bởi hồi em chưa đi học, ở nhà em đen lắm, da lại còn hay bị viêm ngứa nữa, quần áo (đặc biệt là áo trắng), sau khi mua về một thời gian cũng trở thành màu vàng và thô cứng, rất nhanh bị hỏng. Em nghĩ đó là do nước giếng khoan nhà em bị màu vàng nâu, ra thành phố thay đổi nguồn nước nên em thấy mình thay đổi hẳn.

Nhiều người dân nơi đây cho biết: nguồn nước ở đây bị ô nhiễm có khả năng là do làng sống dưới chân núi Nưa, nơi có mỏ quặng amiăng. Tại núi Nưa, đã từng có đoàn địa chất về khai thác mỏ để lấy quặng amiăng. Sau đó, địa phương phát động người dân đào giếng lấy nước nước sử dụng, các giếng này đều được kè bằng những viên đá lấy từ núi Nưa về có chứa các sợi, bột amiăng. Người dân cũng lấy đá đó về làm đường giao thông, kè bờ ao,....  Đây là loại đá được xem là có chứa các chất độc hại. Trải qua thời gian loại đá có chứa quặng amiang tan ra rồi chảy xuống ao hồ và thẩm thấu vào nguồn nước ngầm của người dân. Đây có thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư. Trước đây hễ nhắc đến làng Thổ Vị là người ta nghĩ ngay đến cái tên hết sức đau lòng “làng ung thư”.

Điều đáng lo ngại là một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn hoặc vì nhiều lý do mà hiện vẫn chấp nhận nguồn nước giếng đào, giếng khoan tại chỗ để ăn uống, sau khi thực hiện các biện pháp lọc, lắng sơ sài. Bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua nước đóng bình hoặc bể nước mưa cũng không đủ dùng cho mùa khô hạn.Tình trạng này đã khiến người dân hết sức lo lắng vì nguy cơ nhiễm bệnh tật nếu thời gian tới vẫn chưa có nguồn nước sạch.

 Bể nước mưa của gia đình bà Nguyễn Thị Thêm dùng để ăn uống hàng ngày

Hi vọng về một dự án nước sạch trong tương lai gần

Được biết, cuối năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Việt Thanh VNC phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Nông Cống được thực hiện khảo sát, nghiên cứu việc đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân 12 xã của huyện, trong đó có xã Tế Thắng.

Đến tháng 10/2018, Dự án Sức khỏe môi trường VEF-AF do viện PHAD đề xuất triển khai tại 1 số xã, trong đó có xã Tế Thắng (huyện Nông Cống), nguồn vốn do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Dự án muốn được hỗ trợ người dân nông thôn sớm được tiếp cận nguồn nước sạch. Tuy nhiên ngày 22/11/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn về việc giải quyết các đề nghị của Viện PHAD liên quan đến dự án này. Công văn nêu rõ: Do các xã Tế Tân, Tế Lợi, Tế Thắng, huyện Nông Cống thuộc phạm vi cấp nước của dự án Hệ thống nước sạch nông thôn liên huyện Việt Thanh VnC, do Công ty cổ phần Việt Thanh VnC làm chủ đầu tư, đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 20/4/2017, số 4429/QĐ-UBND ngày 20/11/2017 nên việc viện PHAD đề nghị như trên là không phù hợp với thực tế. Như vậy dự án Sức khỏe môi trường của viện PHAD do Hoa Kỳ tài trợ không được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận thực hiện tại Tế Thắng.

Về phía chính quyền xã Tế Thắng, ông Hoàng Văn Khánh cho biết: Thực tế nguồn nước của xã mà cụ thể là hai làng Thổ Vị và Giá Mai có vị mặn, màu vàng, chứa sắt, không đảm bảo. Người dân không thể dùng nước dưới lòng đất để ăn uống mà chỉ lọc qua để rửa ráy. Còn nước để ăn uống chủ yếu là nước mưa và nước lọc đóng bình. Trước thực trạng đó, đầu năm 2017, tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho dự án nước sạch của công ty Việt Thanh nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Năm 2018, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển cũng có dự án hỗ trợ người dân Tế Thắng sớm tiếp cận nước sạch thông qua việc đấu nối đường ống nước từ chi nhánh cấp nước thị trấn Nông Cống. Tuy nhiên dự án này không được UBND tỉnh chấp thuận, vì bị chồng với dự án của Việt Thanh. Địa phương chúng tôi tha thiết kính mong các sở ban ngành cấp tỉnh, huyện cũng như doanh nghiệp nhanh có giải pháp để đưa nguồn nước sạch về với địa phương để nhân dân được dùng nguồn nước hợp vệ sinh yên tâm sinh sống và làm việc tại quê hương.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cũng cho biết: Thực tế trên địa bàn xã Tế Thắng nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của nhân đang rất khan hiếm. Nước ngầm thì không đảm bảo chất lượng, có những hộ dân khoan giếng nước có màu đen, có nơi nước lại vàng khè. Đây là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hiện nay huyện đang có các giải pháp để kêu gọi nhà đầu tư để có dự án hệ thống nước sạch đầu tư vào xã Tế Thắng và các xã lân cận. Tôi nghĩ, trong khi Công ty Việt Thanh chưa triển khai dự án thì có thể lấy nước từ nhà máy nước Nông Cống (cách Tế Thắng không đến 5km) để phục vụ nhu cầu cho bà con. Tại các kỳ họp hội đồng nhân dân, nhiều cử tri cũng có kiến nghị về tình trạng này, và nhân dân rất khát khao có được nguồn nước sạch.

Như vậy, một thực tế bao năm nay ở các thôn sống dưới chân núi Nưa của xã Tế Thắng là người dân đang khao khát nguồn nước sạch để ăn uống và sinh hoạt. Và dự án nước sạch cũng đã được chính quyền chấp thuận. Song không biết đến bao giờ dự án ấy mới đến được với người dân để biến giấc mơ nước sạch thành hiện thực.

Hiền Minh