Nhà máy chưa di dời, nội đô còn quá tải

00:00 12/10/2020

Trách nhiệm của các bộ, ngành đã được quy định rất rõ để thực hiện chủ trương di dời các bộ, ngành, cơ sở sản xuất, nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay, việc di dời vẫn chây ỳ và không biết bao giờ chủ trương này mới thực hiện được.

Việc di dời trụ sở các bộ, ngành, nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô được đặt ra từ nhiều năm qua và đã trở thành yêu cầu bức thiết, nhất là trong bối cảnh hạ tầng kỹ thuật khu vực này đang chịu sức ép quá tải.

Chây ỳ hàng chục năm

Từ năm 1992, Chính phủ đã có chủ trương di dời một số bệnh viện, trường học, cơ sở ô nhiễm và một số bộ ngành ra khỏi nội đô Hà Nội. Theo chủ trương, quỹ đất sau khi di dời sẽ ưu tiên để phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe… Tuy nhiên, việc triển khai các dự án di dời đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.

Điển hình như khu công nghiệp Phân Lân Văn Điển (huyện Thanh Trì), khu Cao su – Xà phòng – Thuốc lá (quận Thanh Xuân), Tp. Hà Nội đã có quy hoạch phát triển mới, tạo điều kiện để các nhà máy di dời và đặt ra vấn đề chỉ giữ lại cơ sở văn phòng chứ không có chức năng sản xuất, nhưng việc di dời vẫn chưa được thực hiện.

Đáng lưu ý, trong quá trình khai thác sử dụng, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục sản xuất, kể cả nhiều đơn vị đã nhận địa điểm mới như công ty Thuốc lá Thăng Long đã có trụ sở mới tại huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Hay như công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cũng nằm trong chủ trương di dời nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện. Trên thực tế, công ty này đã được tạo điều kiện xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) từ năm 2006. Đến năm 2015, Rạng Đông đầu tư thêm 2 ha, nâng tổng diện tích lên 8,2 ha.

Theo KTs. Đào Ngọc Nghiêm, để xảy ra tình trạng này là do thiếu nguồn lực thực hiện, vì muốn di dời phải có nguồn lực ngân sách. Tiếp đến là sự thiếu giám sát nhất định trong công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, trong Luật Bảo vệ môi trường mới đã xác định rõ vai trò của chủ dự án, chủ sở hữu nhưng vẫn không có hiệu lực.

Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn các thành viên của Chính phủ về việc di dời các trụ sở bộ ngành và các cơ sở ô nhiễm khác, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận hiện còn rất chậm. Mặc dù Hà Nội cũng đã bố trí một số khu vực, bố trí địa điểm, phê duyệt một số danh mục, nhưng công tác thực hiện chưa đáng kể.

“Về bệnh viện đã có một số đơn vị di dời đến địa điểm mới, như 2 cơ sở của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức. Hiện nay, Bộ LĐTB&XH cũng chưa hoàn thành việc lập danh mục, tiêu chí di dời các cơ sở đào tạo dạy nghề”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.

Để giải quyết bài toán bức thiết cho Tp. Hà Nội, KTs. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng lúc này thành phố cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng, tại các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Cần sự đồng bộ của các cơ quan

Sâu xa hơn, để giải quyết triệt để tình trạng này cần có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, đó là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn cho DN có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để DN liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.

Ngoài ra, việc sửa Luật Đất đai trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn. Bởi thực tế quỹ đất của các bộ, ngành trong danh sách cần di dời vẫn ít hơn nhiều so với các quỹ đất thuộc cơ sở công nghiệp chưa di dời.

Bên cạnh đó, công tác giám sát quá trình khai thác sử dụng tại các nhà máy phải được quán triệt chặt chẽ hơn nữa. Nhà nước cần có chính sách cụ thể và quyết liệt hơn để vừa tạo điều kiện vừa kiên quyết để các DN sớm di dời.

Cũng tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng việc thực hiện các quyết định di dời các bộ, ngành và các cơ sở ô nhiễm là trách nhiệm của nhiều cơ quan khác nhau.

Trong đó, UBND Tp. Hà Nội có trách nhiệm lập danh mục, xác định các tiêu chí lộ trình biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần di dời ra ngoài nội thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập danh mục cụ thể và tiêu chí lộ trình và biện pháp di dời các trụ sở, cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội.

Các bộ ngành khác như Y tế, GD&ĐT, LĐ- TB&XH… có trách nhiệm lập danh mục cụ thể hóa tiêu chí lộ trình, biện pháp di dời, cụ thể các cơ sở của ngành mình ra khỏi nội đô.

Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng cơ chế chính sách về tài chính, khuyến khích khai thác quỹ đất có hiệu quả, đảm bảo tiến độ, lộ trình di dời theo đề xuất của Hà Nội và từng bộ ngành liên quan, đề xuất phương án tài chính để đầu tư xây dựng trụ sở các bộ ngành tập trung và các bộ ngành khác liên quan thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, cho đến nay, có 9 cơ quan được bố trí quỹ đất chuyển ra ngoại nội đô thì có 7 cơ quan tiếp tục giữ lại trụ sở cũ và 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích. Nhiều cơ sở ô nhiễm khác vẫn còn nằm xen kẽ trong các khu dân cư chưa biết đến khi nào mới di dời.

Phạm Minh